Để thanh niên khuyết tật tự tin đóng góp cho cộng đồng

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật (NKT), hiện nay, Việt Nam có khoảng tám triệu NKT, trong đó có 10% thuộc hộ nghèo. Nhưng nhiều thanh niên khuyết tật (TNKT) đã không những vượt lên trên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, mà còn tự khẳng định giá trị bản thân, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Anh Trịnh Công Thanh (người ngồi giữa) và chiếc xe lăn tự chế tạo tại một cuộc đua dành cho người khuyết tật tổ chức tại Nhật Bản.
Anh Trịnh Công Thanh (người ngồi giữa) và chiếc xe lăn tự chế tạo tại một cuộc đua dành cho người khuyết tật tổ chức tại Nhật Bản.

Đi tìm chiếc xe lăn “Made in Vietnam”

Xe lăn là thiết bị quen thuộc nhằm hỗ trợ NKT, vừa góp phần giúp NKT hưởng đầy đủ quyền con người, vừa đóng vai trò quan trọng giúp họ tự tin, sống có ích hơn. Tuy nhiên, không thể có một chiếc xe lăn phù hợp với mọi trường hợp khuyết tật, bởi thiết bị này cần được thiết kế dựa theo nhiều thông số nhân trắc học hoặc các dạng tật khác nhau.

Tại nước ta, việc nghiên cứu để chiếc xe lăn thật sự phù hợp với NKT chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, do không được tập huấn, tuyên truyền đầy đủ, nhận thức chung của NKT về chiếc xe lăn vẫn còn hạn chế. Hiện nay, những chiếc xe lăn ở Việt Nam phần lớn được nhập khẩu thông qua các công ty cung cấp thiết bị y tế, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước. Lượng xe lăn sản xuất trong nước chiếm phần không đáng kể. Hầu hết xe lăn có chất lượng thấp, vì sản xuất đại trà cho nhiều mục đích. Thậm chí, một số mẫu xe chỉ là chiếc ghế nhựa gắn thêm bốn bánh. Dù rất nhanh hỏng, nhưng đó là món quà tặng thường thấy ở các hoạt động từ thiện bởi giá rẻ.

Với mong muốn sản xuất chiếc xe lăn thật sự phù hợp, hữu ích dành cho NKT, năm 2017, anh Trịnh Công Thanh, Chủ tịch Hội TNKT Hà Nội, đã tự tìm hiểu, nghiên cứu, chế tạo một loại xe lăn với tiêu chí "100% sản xuất bởi NKT, dành cho NKT Việt Nam". Với tên gọi "Nâng bước chân em", dự án của anh gồm sản xuất, trao tặng xe miễn phí theo nhu cầu của NKT, cho tới cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, vật tư thay thế và cả các lớp tập huấn, hỗ trợ NKT sử dụng xe lăn... Để triển khai dự định, anh Thanh phải tự bỏ kinh phí, thời gian tham gia học nhiều khóa đào tạo về kỹ thuật, thiết kế... "Bước đầu tiên của dự án, tôi đã phát mẫu đơn xin xe lăn với hàng chục thông số nhân trắc học đi kèm đến cộng đồng NKT. Từ những lá đơn ấy, tôi tìm đến các tổ chức thiện nguyện, doanh nghiệp, nhà hảo tâm xin tài trợ rồi hoàn thiện xe và trao miễn phí tận tay từng NKT đã gửi đơn", anh Thanh chia sẻ.

Dẫn tôi đi tham quan cơ sở sản xuất, anh Thanh tự hào giới thiệu chiếc xe lăn "Made in Viet Nam" thế hệ hai với nhiều cải tiến, nâng cấp so với "phiên bản đầu". Chiếc xe thế hệ hai sở hữu 500 chi tiết, bộ phận hiện đại, thú vị nhất là nhiều thứ có thể thay thế, sửa chữa dễ dàng tại hàng sửa xe đạp. Anh kể: "Khi mới vào việc, tôi nghĩ cứ ra chợ phụ tùng mua vật liệu về lắp ráp là thành cái xe. Qua nhiều lần thất bại, giờ đây mọi chi tiết trên xe đều được thiết kế với cơ chế hoạt động tương đương những dòng xe lăn cao cấp châu Âu". Bằng những nỗ lực của anh cùng các cộng sự, đến nay, đã có gần 200 chiếc xe lăn "Made in Viet Nam" được tặng miễn phí. Không dừng lại ở đó, chiếc xe lăn thế hệ ba cũng sắp "lên kệ" với nhiều cải tiến như hệ thống chống lật, điều chỉnh độ rộng ghế, tay nắm thân thiện...

Gần 200 chiếc xe mà anh Trịnh Công Thanh dày công nghiên cứu, chế tạo, cải tiến và phát miễn phí đến NKT hoàn toàn được triển khai từ hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, hiện nay, do gặp khó khăn về nguồn tài trợ, dự án "Nâng bước chân em" của anh gần như bị đình trệ. Để các ý tưởng, sáng tạo của tuổi trẻ như vậy không "chết yểu", có lẽ cần sự chung tay hỗ trợ thực chất, hiệu quả từ các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Đồng hành với NKT

"A-lô, có phải đường dây nóng của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Bảo trợ tư pháp cho NKT Việt Nam (gọi tắt là Trung tâm) không ạ? Tôi muốn được tư vấn về một số chế độ trợ cấp dành cho người khiếm thị...". Một buổi sáng tại Trung tâm thường bắt đầu với những câu chuyện "thắc mắc biết hỏi ai" như vậy qua đường dây nóng 1900.558846. Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc nhỏ - trụ sở Trung tâm, chị Nguyễn Thị Thúy, tư vấn viên chính tại đây cho biết: Những trường hợp yêu cầu Trung tâm hỗ trợ thường không phức tạp, nhưng cho thấy nhiều bất công NKT thường phải chịu. Đơn cử như một bạn nữ khuyết tật muốn lấy chồng nhưng lại không được cấp giấy chứng nhận với lý do "không đủ điều kiện"; hoặc một người đàn ông khiếm thính bị cán bộ xã từ chối trao giấy tờ nhà đất vì "sợ không hiểu chuyện"...

Ý tưởng thành lập một địa chỉ tin cậy nhằm hỗ trợ, bảo trợ pháp lý miễn phí cho NKT cũng là của anh Trịnh Công Thanh, Chủ tịch Hội TNKT Hà Nội (chủ nhân ý tưởng chiếc xe lăn của NKT Việt Nam), được ấp ủ từ khi anh còn là cộng tác viên tại Sở Tư pháp Hà Nội. Thời gian này, anh nhận ra các luật sư, tư vấn viên ít đầu tư nghiên cứu, làm việc chuyên sâu về những vấn đề pháp luật liên quan NKT. Trong khi đó, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, NKT phải có khó khăn về kinh tế, tài chính mới được Nhà nước trợ giúp pháp lý miễn phí, khiến khả năng tiếp cận hỗ trợ của cộng đồng NKT trở nên hẹp hơn, cụ thể là phải xin thêm một "giấy phép con" chứng minh hộ nghèo hoặc cận nghèo. Để hỗ trợ kịp thời NKT, anh Thanh càng quyết tâm thành lập Trung tâm.

Với tư cách pháp nhân thuộc Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, được Sở Tư pháp TP Hà Nội cấp phép hoạt động, hiện, Trung tâm đã có hai tư vấn viên nòng cốt cùng đội ngũ cộng tác viên thường xuyên khoảng hơn mười người, là các luật sư, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Với mục tiêu tăng cường hiểu biết pháp luật, thúc đẩy quá trình tiếp cận pháp luật - tư pháp cho NKT - trong đó có rất nhiều thanh niên, Trung tâm hoạt động trên ba lĩnh vực chính: giáo dục - đào tạo nghề, y tế và chính sách pháp luật.

Bên cạnh công tác tư vấn pháp luật, Trung tâm còn bảo trợ tư pháp cho NKT như đại diện tham gia các quá trình tố tụng, thực hiện các thủ tục pháp lý... Cùng đường dây nóng, Trung tâm còn nhiều đầu mối tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ tại các hội, câu lạc bộ, đội, nhóm NKT. "Với phạm vi hoạt động cấp quốc gia, tới đây, chúng tôi sẽ tiến tới thành lập chi nhánh ở một vài địa phương. Mong rằng, nỗ lực của chúng tôi phần nào giúp cộng đồng NKT được sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", anh Thanh cho biết.

Niềm tin từ những sản phẩm thủ công

Thành lập từ năm 1996, Công ty cổ phần FAGI (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh) với 1/3 số người lao động là NKT chuyên sản xuất thủ công mặt hàng lưu niệm, quà tặng, thú nhồi bông xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản... Phải ngồi nghiêng một bên vì teo cơ chân, chị Võ Thị Ngọc Diễm (ngụ huyện Hóc Môn) tỉ mỉ khâu từng con thú nhồi bông. Chị là một trong tám NKT làm việc tại Công ty FAGI với mức lương khoảng năm triệu đồng/tháng, cùng hỗ trợ ăn trưa và các chế độ theo Bộ luật Lao động. Chị Phan Thị Thanh Tâm, Giám đốc phụ trách thiết kế sản phẩm, vốn là một TNKT, cho biết: Ngoài tám NKT đang trực tiếp sản xuất, công ty còn chuyển sản phẩm đến mười gia đình có NKT để làm tại nhà. Trung bình, doanh thu hằng năm của công ty đạt 19 đến 20 tỷ đồng. Khẩu hiệu của FAGI luôn là không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, nỗ lực tạo môi trường để NKT tự tin hòa nhập cộng đồng, vượt lên chính mình.

Xuất phát từ niềm đam mê tranh giấy xoắn, năm 2013, chị Trần Thị Thúy Vy, tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường đại học quốc tế Hồng Bàng, đã thành lập cơ sở tranh giấy xoắn Alice (quận 4, TP Hồ Chí Minh). Là một TNKT, chị hiểu rõ mặc cảm của những người không may mắn. NKT làm việc tại cơ sở của chị Vy nhận mức lương trung bình năm triệu đồng/tháng, lại có môi trường làm việc thân thiện để thỏa sức sáng tạo; những bạn trẻ khuyết tật đam mê làm tranh giấy xoắn được dạy nghề, miễn phí nơi ăn chốn ở. “Tôi hiểu rằng, nếu được tôn trọng, các bạn sẽ cống hiến hết mình cho công việc, nghệ thuật. Tôi mong đón thêm nhiều học viên mới, giúp họ có công việc ổn định, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”, chị Vy chia sẻ.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh, hiện tổng số NKT trên địa bàn thành phố là gần 50 nghìn người. Trong khi đó, số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký tuyển dụng lao động khuyết tật đạt 354 lượt, với số lượng tuyển gần 1.600 lao động thuộc các vị trí khác nhau. Thông qua Sở LĐTBXH, thành phố còn hỗ trợ tín dụng ưu đãi, sinh kế cho NKT. Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến từ các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng người lao động là NKT, hầu hết đều phản ánh dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ về thuế, vốn vay cho doanh nghiệp sử dụng NKT nhưng trên thực tế thủ tục liên quan còn rườm rà, nguồn vốn vay khó tiếp cận cho nên chưa tạo được động lực thúc đẩy mạnh mẽ.

Năm 2017 vừa qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, hỗ trợ TNKT. Qua đó, nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm các cấp xã, huyện, thành phố đã được thành lập mới, hỗ trợ kinh phí hoạt động ban đầu cũng như các hoạt động giúp thành viên tự lực trong cuộc sống về sau. Cùng với đó, hàng chục diễn đàn, hội thảo, tọa đàm... được tổ chức ở nhiều địa phương do tổ chức đoàn, Hội LHTN các tỉnh, thành phố cùng nhiều tổ chức thiện nguyện tổ chức đã phần nào mở rộng hơn cánh cửa hòa nhập cộng đồng cho NKT nói chung và TNKT nói riêng. Riêng trong Tháng Thanh niên năm 2018, Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động đến toàn bộ các cấp bộ đoàn trên cả nước đẩy mạnh, triển khai có chiều sâu, hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh, thiếu niên theo từng đối tượng cụ thể, trong đó có TNKT.

Trong sự phát triển của xã hội hôm nay, cần công nhận sự đóng góp công sức không nhỏ của những TNKT chủ động vượt hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống, thậm chí đã tự tay tạo nên các mô hình kinh tế, an sinh xã hội hiệu quả, mang lại việc làm cùng nhiều hỗ trợ thiết thực đến nhiều trường hợp không may mắn khác. Với vai trò và trách nhiệm với thanh niên trong đó có TNKT, trong thời đại mới, các cấp bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam cần phát huy tinh thần sáng tạo, truyền thống tương thân tương ái quý báu nhằm phát động những phong trào, mô hình với đặc thù riêng biệt, hỗ trợ TNKT tự tin tiếp tục sống tốt, sống có ích cho cộng đồng; sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tạo cơ hội cho những TNKT có hoài bão, đam mê làm giàu trên mảnh đất quê hương; liên kết, phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức thiện nguyện trong và ngoài nước triển khai các chương trình tuyên dương, vinh danh TNKT tiêu biểu trên phạm vi toàn quốc.

Để thanh niên khuyết tật tự tin đóng góp cho cộng đồng ảnh 1

Người khuyết tật làm việc tại Công ty FAGI (TP Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất thủ công mặt hàng lưu niệm, quà tặng...