Để người dân được thụ hưởng chính sách an sinh tốt nhất

Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành, đã nhận được sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai và có tác động tích cực đến đời sống người dân trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động tìm kiếm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh QUANG VINH)
Người lao động tìm kiếm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh QUANG VINH)

Nhiều chỉ tiêu về đích trước hẹn

Theo kết quả rà soát của Ban chỉ đạo Chương trình 08, đã có 19/27 chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch năm 2023. Trong đó có 18 chỉ tiêu đã hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025, bốn chỉ tiêu đang phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2023 và bốn chỉ tiêu còn khó khăn cần tập trung chỉ đạo thực hiện.

Đáng chú ý, thành phố đã triển khai hiệu quả việc giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ thất nghiệp. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới. Tuy nhiên, ngay những tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu này với tỷ lệ hộ nghèo còn 0,095%; thành phố cơ bản không còn hộ nghèo; có 16 quận, huyện không còn hộ nghèo và ba quận không còn hộ cận nghèo. Tương tự, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ thất nghiệp đạt dưới 3%, nhưng thực tế đến nay đã hoàn thành chỉ tiêu này.

Để hoàn thành sớm hai chỉ tiêu này, thành phố đã đẩy mạnh tổ chức phiên giao dịch việc làm. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2023, thành phố đã tổ chức 124 phiên giao dịch, thu hút 3.635 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Đồng thời định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Kết quả, thành phố đã giải quyết việc làm cho 113.418 lao động (đạt 70,89% kế hoạch năm).

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí; người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh, tỷ lệ hỏa táng... của thành phố đều đã về đích trước hẹn.

Tập trung tháo gỡ bốn chỉ tiêu còn thấp

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt, Ban Chỉ đạo Chương trình 08 cũng nhận diện và chỉ rõ bốn chỉ tiêu khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới. Bao gồm chỉ tiêu số bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe; tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường.

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, số bác sĩ hiện là 14 bác sĩ/vạn dân, để đạt mục tiêu của chương trình đến năm 2025 có 15 bác sĩ/vạn dân thì còn thiếu 1.555 bác sĩ. Như vậy từ nay đến năm 2025, mỗi năm cần tăng thêm khoảng 518 bác sĩ. Số lượng bác sĩ này sẽ được thu hút qua các đợt tuyển dụng viên chức, qua các đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành y tế và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Liên quan đến tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe, đây là một tiêu chí không được đánh giá trước khi thực hiện Chương trình số 08. Hiện, kết quả triển khai đạt 82,5% mục tiêu toàn khóa. Đáng lưu ý, mặc dù mục tiêu của Chương trình là tất cả người dân đều được quản lý sức khỏe, nhưng Ban Chỉ đạo đang nâng lên một mức là quản lý bằng khám sức khỏe để chất lượng quản lý thực chất hơn so với việc chỉ quản lý trên giấy tờ.

Sở Y tế cam kết trong quý II/2024 sẽ hoàn thành chỉ tiêu này. Đến nay, các quận, huyện Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Chương Mỹ đã triển khai tốt chỉ tiêu này. Thời gian tới, ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục triển khai rộng khắp, cam kết đưa bác sĩ ở các bệnh viện tuyến thành phố khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân tại các quận, huyện.

Về chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường”, hiện đã được thay thế bằng chương trình sức khỏe học đường. Đối với tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đàm Thị Hòa cho biết đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được chỉ tiêu này.

Ngoài ra, một số nội dung còn vướng mắc trong triển khai như số người tham gia bảo hiểm tăng chậm; việc triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, khám, chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử còn hạn chế; mức thu nhập của người dân vùng dân tộc thiểu số còn thấp so với bình quân chung sẽ được thành phố tập trung tháo gỡ trong thời gian tới với quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 08, góp phần bảo đảm an sinh, nâng cao đời sống của người dân.