Đề nghị thực hiện lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chậm hơn với bia, rượu

NDO - Một số đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chậm hơn đối với bia, rượu để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội giao.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 26/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Nhiều ý kiến khác nhau về thuế suất, mức thuế, lộ trình áp dụng

Báo cáo một số nội dung cơ bản trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, về thuế suất với rượu, bia, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục áp dụng thuế suất 65% đối với bia trong khoảng 2 năm và tăng thuế từ năm 2027 hoặc năm 2028 bắt đầu lên 70%, lộ trình tăng 5%/năm.

Có ý kiến đề nghị thống nhất một mức thuế đối với rượu, không chia theo nồng độ cồn và cũng áp thuế suất như đối với bia. Có ý kiến đề nghị áp thuế đối với rượu, bia theo nồng độ cồn, quy định thuế suất của rượu thấp hơn bia là chưa phù hợp…

Luật hiện hành đã quy định mức thuế suất cao đối với bia nhằm định hướng, điều tiết sản xuất, hạn chế tiêu dùng, giảm tác hại đối với sức khỏe cộng đồng và nhiều hệ lụy đối với kinh tế-xã hội.

Do đó, để tác động mạnh mẽ đến việc giảm tiêu dùng, khắc phục việc lạm dụng rượu, bia, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia như phương án 2 (áp thuế suất 80% từ năm 2026, lộ trình tăng 5%/năm, đến năm 2030 là 100% đối với rượu 20 độ trở lên và bia).

Tuy nhiên, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau về thuế suất, mức thuế, lộ trình đối với các sản phẩm này.

Một số ý kiến của các hiệp hội sản xuất và doanh nghiệp cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu, bia như phương án 2 sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh các hàng hóa này cũng như các ngành phụ trợ, du lịch và vùng nguyên liệu, theo đó có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra. Do đó, đề nghị cân nhắc có thể quy định theo phương án 1 với lộ trình tăng thuế chậm hơn để tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội quyết định.

Đề nghị thực hiện lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chậm hơn với bia, rượu ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nên cân nhắc đến bối cảnh khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất đồ uống khi mới đi qua đại dịch Covid-19, bão lũ càn quét cùng với những tác động ảnh hưởng tiêu cực khác nên bị sụt giảm lớn về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, giảm mức đóng thuế cho các địa phương.

“Theo đề xuất của Chính phủ về các phương án dự kiến tăng mức thuế lần này đều dẫn đến giá tăng cao, người tiêu dùng có thể sẽ tìm đến các sản phẩm rẻ tiền hơn và kích hoạt sản xuất thủ công, buôn lậu vừa gây thất thu thuế, gia tăng rủi ro sức khỏe đối với người tiêu dùng và những hệ lụy khác, làm cho mục đích tăng thuế không thể thực hiện được”, đại biểu phân tích.

Mặt khác, việc tăng thuế mặt hàng rượu, bia sẽ có tác động ảnh hưởng đến hàng chục mặt hàng đầu vào nguyên liệu và ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của hàng triệu người trong khi họ chưa sẵn sàng cho việc thay đổi này, sẽ tạo ra cú sốc làm quan ngại về việc làm và an sinh xã hội.

Do vậy, để hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đại biểu Hoàng Đức Thắng ủng hộ áp dụng phương án thuế theo phương án 1 của dự thảo với lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chậm hơn với bia, rượu.

Việc này sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng có thời gian, vật chất chấp nhận được để thích nghi với việc tăng thuế mới. Đồng thời, bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước và điều tiết tiêu dùng, hướng tới mục đích hài hòa lợi ích sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Đề nghị thực hiện lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chậm hơn với bia, rượu ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) nêu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Có cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, việc tăng thuế đối với rượu, bia cần được xem xét một cách thận trọng trên 3 khía cạnh: tác động đến việc làm, thu ngân sách và sức khỏe cộng đồng.

Theo đại biểu, việc tăng thuế quá nhanh có thể khiến giá bia tăng cao, làm giảm sản lượng tiêu thụ và doanh thu, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. “Theo nghiên cứu độc lập, thu nhập của người lao động có thể giảm tới 4.600 tỷ đồng mỗi năm nếu thuế tăng như đề xuất. Điều này đe dọa đến sinh kế của hàng trăm nghìn lao động, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phụ thuộc rất nhiều vào ngành đồ uống”, đại biểu Minh nhấn mạnh.

Về thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách địa phương, đại biểu Minh cho rằng, khi sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, thì các nguồn thu này sẽ bị suy giảm đáng kể. Đại biểu đoàn Đà Nẵng cũng cảnh báo việc tăng thuế quá nhanh, quá cao có thể dẫn đến tình trạng người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm bia nhập lậu hoặc bia “cỏ”, không kiểm soát được chất lượng. “Việc này không những phá vỡ những mục tiêu ban đầu là bảo vệ sức khỏe mà còn làm gia tăng thị phần bia bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách, làm méo mó thị trường”, đại biểu phân tích.

Đánh thuế mạnh 5 năm 1 lần thay vì tăng đều mỗi năm

Trong khi đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội), mục tiêu chính của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe và có ảnh hưởng không tốt đến công cộng, chuyển những hành vi đó sang một sản phẩm tiêu dùng thay thế có lợi hơn.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cách áp thuế hiện nay chưa thực sự đạt được mục tiêu là thay đổi hành vi tiêu dùng. Dự thảo Luật đưa ra phương án từ năm 2026 đến năm 2030 sẽ tăng đều mỗi năm 5%/sản phẩm rượu, bia. Ông phân tích, nếu tăng thuế theo lộ trình mỗi năm một chút, người tiêu dùng sẽ dễ dàng thích nghi mà không thay đổi hành vi.

Đề nghị thực hiện lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chậm hơn với bia, rượu ảnh 3

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu đoàn thành phố Hà Nội đề xuất tăng thuế mạnh lần đầu, sau đó giữ ổn định trong 5 năm rồi mới tăng tiếp và tăng cao để tạo tác động rõ ràng.

Liên quan đến thuế bia, đại biểu Cường nhận định, thuế bia có ảnh hưởng đến tiêu dùng dịch vụ, nếu tiêu dùng dịch vụ giảm thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập quốc dân. “Hiện nay chúng ta đang áp dụng chính sách để khuyến khích tiêu dùng dịch vụ bằng việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong năm 2025. Bây giờ sang năm 2026 chúng ta lại tăng thuế bia ngay lập tức, điều này đi ngược lại là vừa bỏ chuyện giảm thuế giá trị gia tăng lại tăng thuế tác động đến tiêu dùng trực tiếp, như vậy dịch vụ sẽ không tăng được”, ông lập luận.

Đại biểu đồng ý phải tăng thuế bia nhưng không nên áp dụng ngay từ năm 2026 mà nên bắt đầu từ năm 2027, như vậy sẽ có 1 năm, từ năm nay ban hành và năm 2026 là năm để thực hiện tuyên truyền, vận động, và năm gọi là giữ lệnh cho việc thay đổi hành vi này.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt không phải nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách mà là điều chỉnh hành vi người tiêu dùng. Theo Thứ trưởng, việc đánh thuế lúc đầu sẽ ảnh hưởng tới sản lượng nhưng rõ ràng phải đặt sức khỏe con người lên trên, do đó phải chấp nhận thực hiện.