Để Hà Nội ngày một xanh hơn

Cơn bão số 3 (Yagi) để lại hậu quả nặng nề cho cây xanh Hà Nội, với hàng chục nghìn cây xanh bị gãy, đổ. Nhưng với nỗ lực của các ngành, các địa phương, những hàng cây bị gãy, đổ đã hồi sinh. Cùng với đó, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai những giải pháp đồng bộ để tạo cảnh quan sạch đẹp, nâng cao chất lượng môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Những hàng cây lãng mạn là một nét đặc trưng của Hà Nội.
Những hàng cây lãng mạn là một nét đặc trưng của Hà Nội.

Những ngày cuối năm 2024, dù thời tiết khá giá rét, nhưng trên nhiều tuyến phố, những cây xanh bị gãy, đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã lên mầm xanh mướt sau một thời gian được trồng lại.

Cơn bão số 3 đã làm khoảng 40 nghìn cây xanh đô thị bị gãy đổ. Song, với quyết tâm khôi phục hệ thống cây xanh, xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp, ngành xây dựng phối hợp chính quyền các địa phương vừa thu dọn hiện trường, vừa nỗ lực trồng lại, trồng mới những cây không thể khôi phục.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết: “Hàng năm, công ty tiến hành cắt tỉa hàng chục nghìn cây xanh, hạ bớt độ cao cho những cây cổ thụ để hạn chế khả năng gãy, đổ. Tuy nhiên, bão số 3 có sức gió rất mạnh nên gây thiệt hại ngoài dự đoán. Cùng với quá trình thu dọn hiện trường, chúng tôi đã khẩn trương phân loại những cây gãy, đổ thành các nhóm khác nhau để hồi sinh những cây có thể trồng lại; trồng mới những cây cần thay thế. Sau khi trồng lại, chúng tôi phun thuốc kích thích rễ để cây nhanh chóng hồi sinh”.

Hà Nội là địa bàn có số lượng cây xanh, cây bóng mát lớn. Trước bão số 3, toàn thành phố có khoảng 1.165.000 cây bóng mát, trồng trên 1.310 tuyến đường, phố, công viên, vườn hoa, địa điểm công cộng và trong khuôn viên tổ chức, cá nhân.

Hệ thống cây xanh đạt được con số nêu trên là nhờ chiến lược trồng 1 triệu cây xanh mà thành phố Hà Nội đã triển khai trong những năm trước đây. Số lượng cây này được phân cấp quản lý. Trong đó, Công ty Công viên Cây xanh chịu trách nhiệm quản lý hệ thống cây xanh tại các tuyến phố đã được đặt tên. Đây chính là nhóm cây xanh tạo nên đặc trưng cho đô thị Hà Nội.

Tuy nhiên, do hệ thống cây xanh Hà Nội hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, gồm những cây cổ thụ từ thời kỳ phong kiến, cây được trồng trong thời kỳ Pháp thuộc, cây trồng trong thời kỳ bao cấp… nên hệ thống cây xanh tồn tại không ít bất cập.

Có những tuyến phố hẹp như phố Lý Nam Đế nhưng lại trồng xà cừ, một loại cây có kích thước rất lớn; hay như đường Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh… từng trồng khá phổ biến loại cây keo tai tượng. Cây keo tai tượng là cây công nghiệp, có tuổi thọ ngắn, không phù hợp với cây bóng mát đô thị.

Chính bởi nguyên nhân này, thành phố đã có nhiều đổi mới trong trồng, chăm sóc, quản lý hệ thống cây xanh những năm qua, đặc biệt là thay thế nhiều loại cây không phù hợp bằng những chủng loại cây đô thị mới như: Sang, muồng hoàng yến, bàng lá nhỏ, phượng tím… Những hàng cây mới này giúp cây xanh thành phố ngày càng đẹp hơn.

Mặc dù vậy, trận bão số 3 xảy ra tháng 9/2024 vẫn cho thấy việc trồng, chăm sóc, quản lý hệ thống cây xanh đô thị Hà Nội còn không ít bất cập.

Nhiều cây xanh chưa được trồng đúng quy trình, đặc biệt là cây xanh tại những khu đô thị mới, khi cây bị đổ thị lộ nguyên bầu cây chưa được loại bỏ màng bọc, dẫn đến cây sinh trưởng kém; nhiều cây xanh được trồng khi đã qua độ tuổi sinh trưởng mạnh dẫn đến cây to nhưng bộ rễ không tương xứng; nhiều khu vực khi thi công điện, nước, hạ tầng viễn thông… đã làm hỏng bộ rễ của cây xanh…

Từ thực tế việc đánh, chuyển những cây to từ nơi khác về trồng dẫn đến sức sống kém, nhiều cây bị đổ, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn cho rằng Hà Nội cần có quỹ vườn ươm riêng. Vườn ươm sẽ bảo đảm việc chăm sóc cây xanh đủ kích thước, đáp ứng các yêu cầu sinh trưởng, hạn chế việc lấy từ các nơi khác về Hà Nội trồng. Thành phố cũng phải lựa chọn, phát triển các loại cây đô thị, thay thế những cây già cỗi, hư hỏng, không phù hợp. Tuy nhiên, việc thay thế phải có kế hoạch bài bản.

Một số chuyên gia đề xuất để có thể phát triển hệ thống cây xanh lâu dài, tương xứng với tầm vóc Thủ đô, xây dựng “thành phố xanh”, Hà Nội cần có quy hoạch cây xanh. Trong quy hoạch phải xác định rõ loài cây trồng được tuyển chọn thích hợp với từng tuyến đường, phố, khu dân cư. Thành phố cần giao đơn vị chủ trì, tổng hợp số lượng, đánh giá chất lượng cây xanh, từ đó tính đúng, đủ và đề ra các giải pháp quản lý phù hợp.