Sáng 13/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, mặc dù ghi nhận chuyển biến rõ rệt về chất lượng, song công tác tiếp công dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật...
Tham gia thảo luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng Báo cáo cần nêu rõ một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, nhất là ở cấp huyện, cấp xã; cũng như bổ sung chi tiết về vụ việc và trách nhiệm của các bên liên quan.
Đặt vấn đề: “Vì sao người dân lại khiếu nại vượt cấp, vì sao những vụ việc nổi cộm mà cấp ủy, chính quyền ở địa phương không quan tâm vào cuộc để giải quyết?”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng thời gian tới cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình quản lý nhà nước, thi hành công vụ, nhất là đối với những lĩnh vực, công việc liên quan tiếp đón người dân. Đồng thời, tiếp tục quan tâm giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý các khiếu kiện, tố cáo ngay từ cơ sở nơi phát sinh vụ việc.
Cũng liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, trong báo cáo trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đưa ra một số kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Theo đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại; trong đó tập trung đánh giá về việc tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu.
Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với trách nhiệm của người đứng đầu, đưa nội dung công tác này vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra công vụ hằng năm…
Làm rõ thực trạng khiếu nại vượt cấp và biện pháp giải quyết
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng báo cáo và dự thảo Nghị quyết cần chỉ rõ những việc cần phải làm, ai làm, ai chịu trách nhiệm, làm theo hướng nào và bao giờ thì phải xong, để kiểm tra, giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Về tiếp công dân, theo Chủ tịch Quốc hội, cần xem xét tính khả thi của quy định pháp luật về tiếp công dân của người đứng đầu chính quyền các cấp để bảo đảm phù hợp với thực tế cũng như chấn chỉnh việc thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Đối với giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ thực trạng khiếu nại vượt cấp cũng như biện pháp giải quyết, đồng thời tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, song song với thực hiện tốt cơ chế hòa giải, thương lượng trong quan hệ dân sự, cơ chế đối thoại trong các vụ việc hành chính... nhằm giải quyết tốt hơn đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần có đánh giá tổng thể bởi đây là lĩnh vực rộng, liên quan đến cả hệ thống chính trị.
“Chính phủ xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên theo quy định của luật và theo chức năng nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu và thực hiện nghiêm túc các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, kiến nghị của Đoàn giám sát.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Báo cáo kết quả giám sát bổ sung, phân tích rõ hơn bối cảnh đất nước thời kỳ tháng 7/2016-tháng 7/2021 trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có ảnh hưởng thế nào đến công tác khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, làm rõ hơn mối quan hệ biện chứng giữa tiếp công dân, khiếu nại tố cáo trong mối quan hệ tổng thể để nhằm hạn chế việc khiếu nại, tố cáo.
Về dự thảo Nghị quyết, Thường vụ Quốc hội yêu cầu đánh giá khái quát, kiến nghị cụ thể, nhất là các vấn đề về tiếp công dân của người đứng đầu, phân loại đơn thư, chuyển đơn, phân loại giữa đơn kiến nghị và đơn khiếu nại, tố cáo…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan để hoàn thiện báo cáo.