Theo PGS, TS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, mâm cỗ Tết thường xuất hiện các món ăn giàu calo, nhiều dầu mỡ như bánh chưng, bánh tét, nem rán, giò xào (giò thủ), thịt đông, thịt kho trứng… cùng với đó là đủ loại bánh mứt kẹo, nước ngọt, nước có gas.
"Việc dùng nhiều những thực phẩm này sẽ góp phần làm tăng cân, tăng cholesterol xấu và tăng huyết áp. Đây là các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch", bác sĩ Vinh cho hay.
Việc uống quá nhiều rượu có thể gây tăng huyết áp tạm thời (nếu chỉ uống say 1 lần) hoặc lâu dài (nếu uống nhiều rượu trong nhiều lần và nhiều ngày liên tiếp). Một số người còn bị tình trạng tim đập nhanh hoặc loạn nhịp sau khi sử dụng một lượng lớn thức uống có cồn.
Ngoài ra, lối sinh hoạt không lành mạnh ngày Tết như ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động còn làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, hình thành cục máu đông - căn nguyên gây đột quỵ tim; thức khuya, ngủ không đủ giấc hoặc bị gián đoạn giấc ngủ sẽ góp phần gây ra các vấn đề về huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim, đái tháo đường, đột quỵ.
Theo Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, để bảo đảm sức khỏe, vui vẻ đón Tết, người bệnh tim mạch cần lưu ý nhiều vấn đề.
Một là, mọi người không nên dồn nhiều hoạt động vào mấy ngày Tết. "Thống kê cho thấy đỉnh điểm của các cơn đột quỵ tim thường rơi vào đêm giao thừa và 3 ngày Tết, khiến số lượng bệnh nhân trong phòng cấp cứu tăng đột biến vào những ngày này", bác sĩ Vinh nói.
Thời gian căng thẳng về cảm xúc và thể chất khi chuẩn bị Tết và di chuyển về quê ăn Tết, sau đó lại tụ tập, vui chơi triền miên nhiều ngày tết làm đảo lộn sinh hoạt của một người. Tất cả những điều này cộng lại sẽ khiến cơ thể bị stress, tạo áp lực cho tim và khiến tim phải làm việc nhiều hơn, gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp.
Do đó, theo bác sĩ Vinh, chúng ta cần cân đối các hoạt động để có “khoảng nghỉ” cần thiết cho cơ thể cũng như giảm áp lực cho quả tim.
Hai là, mọi người cần chú ý cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn ngày Tết. Dù là ngày lễ hay ngày bình thường, chúng ta cần tính toán khẩu phần ăn đa dạng thực phẩm nhưng cân đối 4 nhóm chất chính (bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).
"Khẩu phần ăn lý tưởng dành cho người mắc bệnh tim cần có ít nhất 5 khẩu phần rau và trái cây mỗi ngày (mỗi khẩu phần tương đương 80g). Cần duy trì đủ 3 bữa chính trong ngày, không bỏ bữa và nên ăn đúng giờ.
Song song đó, cần hạn chế dùng món ăn có nhiều calo và cholesterol xấu vì chúng dễ gây tăng cân và làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa, gây bệnh mạch vành", bác sĩ Vinh nói.
Ba là, lưu ý ngủ đủ giấc và không thức khuya. Những người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm có xu hướng gặp nhiều rủi ro về tim mạch như tăng huyết áp, tăng lượng đường trong máu (có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường), tăng nguy cơ viêm, béo phì hơn những người ngủ đủ giấc.
Thiếu ngủ còn có liên quan đến việc tăng lượng canxi tích tụ trong động mạch của tim, gây xơ vữa, hẹp động mạch dẫn tới nhồi máu cơ tim.
Vì thế, để tránh những vấn đề tim mạch ngày Tết, mọi người hãy cố gắng ngủ tối thiểu 7 giờ mỗi đêm và không ngủ muộn sau 23 giờ.
Bên cạnh đó, mọi người cần tập thể dục đều đặn, tránh ngồi ăn uống/tụ tập một chỗ quá lâu; kiểm soát lượng rượu bia nạp vào.
"Nếu bạn bị tăng huyết áp, cần kiêng rượu bia hoặc chỉ uống ở mức độ vừa phải: tối đa 1 khẩu phần/ngày đối với phụ nữ và 2 khẩu phần/ngày đối với nam giới (1 khẩu phần tương đương 355ml bia, 148ml rượu vang hoặc 44ml rượu mạnh)", bác sĩ Vinh khuyến cáo.
Bốn là, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ. Người bệnh đừng quên đo huyết áp và nhịp tim mỗi ngày để xem các chỉ số có ổn định hay không, qua đó điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Trong những ngày du xuân, người bệnh cần lưu ý uống thuốc đúng giờ giấc và đủ liều lượng để tránh hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe.
"Nếu người bệnh thấy triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn hoặc có dấu hiệu đột quỵ tim như đau thắt ngực, đau ngực kèm vã mồ hôi, khó thở, tim đập nhanh…, bạn cần thông báo với người thân để được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt", bác sĩ Vinh khuyến cáo.