Đẩy nhanh ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao

NDO - Chiều 14/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo khoa học “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao khu vực phía nam”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, từ 2008, Luật Công nghệ cao được Quốc hội Việt Nam ban hành gồm nhiều mục tiêu và nhiệm vụ khác nhau; trong đó, có “đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao”.

Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, áp dụng vào nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào các mảng chính như nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao vào kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao...

Theo ông Nghiêm Quốc Đạt, Vụ Công nghệ cao, Chương trình công nghệ cao năm 2020 cho ra nhiều dự án đạt năng suất cao như dự án “Nghiên cứu phát triển và làm chủ quy trình công nghệ sản xuất bóng nong mạch và stent phủ thuốc bằng công nghệ nano”, dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo Robot phục vụ đào tạo”...

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện tại, xu hướng nghiên cứu làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm, dịch vụ của một số tổ chức và doanh nghiệp tự động hóa đang hướng đến các tiêu chí thân thiện môi trường, bao gồm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh; chuyển đổi số; nhà máy thông minh và chuyển đổi xanh, ESG (môi trường, xã hội, quản trị) trên các hệ thống sản xuất.

Đẩy nhanh ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao ảnh 2
Ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công Nghệ cao phát biểu tại hội thảo

Qua đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc đề xuất một số hướng nghiên cứu, bao gồm tập trung vào ứng dụng AI tạo sinh trong tự động hóa; chuyển đổi số từ sản xuất linh kiện, cảm biến thế hệ mới đến tích hợp hệ thống; chuyển đổi xanh ứng dụng trong sản xuất máy móc và thiết bị tự động công nghiệp.

Để tham gia Chương trình khoa học-công nghệ cao đến năm 2030, các dự án phải bảo đảm thuộc danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành; có khả năng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; có mục tiêu rõ ràng, phù hợp với Khung chương trình công nghệ cao đã được phê duyệt; có khả năng huy động nguồn lực từ bên ngoài để bảo đảm thực hiện thành công dự án (tài chính, nhân lực...).