Tại phiên họp thường kỳ về kinh tế-xã hội bảy tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2024, báo cáo của các đại diện các sở, ngành cho thấy, nhiều lĩnh vực đều có những chuyển biến tích cực, trong đó nội lực của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tốt.
Khơi thông thị trường từ các chính sách mới
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tình hình hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có tín hiệu tiến triển tích cực, nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may có đơn hàng trở lại và có thể duy trì đến cao điểm mùa mua sắm cuối năm.
Báo cáo kết quả tình hình các lĩnh vực trong bảy tháng đầu năm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Các lĩnh vực kinh tế về dịch vụ, công nghiệp đều tăng mạnh. So với cùng kỳ năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 661.521 tỷ đồng, tăng 10,3%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,07 tỷ USD, tăng 10%; tổng thu du lịch ước đạt 108.004 tỷ đồng, tăng 15,4%; khối lượng vận tải hành khách ước đạt 279,4 triệu lượt, tăng 20,8%; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 6,2%; số doanh nghiệp thành lập mới là 29.991 doanh nghiệp, tăng 8,4% về số lượng... Đây là con số cho thấy những tín hiệu tích cực của toàn thị trường.
Cùng với đó, từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực với nhiều chính sách mới. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trương chuẩn bị để triển khai các luật này; trong đó, có nhiệm vụ dự thảo bảng giá đất.
Lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố nhấn mạnh: Các luật này có hiệu lực tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản. Đáng chú ý, việc rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện các dự án nhà ở xã hội đã góp phần điều tiết, quản lý thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Riêng đối với Luật Đất đai, thành phố phải ban hành 14 văn bản trong thẩm quyền. Với chức năng của mình, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Công tác tham mưu sẽ tập trung khai thác các giải pháp mới, các điểm mới của luật để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp được gia hạn thời gian sử dụng đất, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, chuyển tiền thuê đất…
Quan sát thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang rất kỳ vọng thành phố sẽ sớm tháo gỡ được các điểm nghẽn, tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đang mong chờ chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội sớm được triển khai để qua đó giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại của thành phố.
Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đã yêu cầu Công ty Đầu tư tài chính nhà nước phối hợp các cơ quan chức năng khác khẩn trương hoàn thành các khâu chuẩn bị để tổ chức xét duyệt hồ sơ để có những dự án được giải ngân vốn hỗ trợ trong năm nay. Với tốc độ thực hiện như hiện nay là chậm so với yêu cầu, nếu không khẩn trương có thể làm “lỡ nhịp” phát triển của doanh nghiệp.
Siết kỷ luật, kỷ cương
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi cho rằng: Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, các tháng còn lại của năm 2024, thành phố còn nhiều việc phải quyết liệt thực hiện để có thể hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là tập trung mọi giải pháp đột phá phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất 7,5% và hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách. Thành phố tập trung ba nhóm động lực về tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Đối với đầu tư công, thành phố đã thực hiện rất nhiều cuộc họp, ra nhiều văn bản chỉ đạo và lãnh đạo thành phố vẫn đang theo dõi hằng ngày, thống kê chỉ đạo hằng tuần và đi vào từng dự án cụ thể.
Tuy nhiên, theo Kho bạc Nhà nước thành phố, tính đến ngày 26/7/2024, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố đã giải ngân là 11.804,652 tỷ đồng, đạt 14,9% số vốn được giao.
Với mục tiêu thực hiện giải ngân 95% đề ra từ đầu năm, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ và cam kết khối lượng giải ngân hằng tháng.
Với khối lượng hiện nay, trung bình mỗi tháng, các cơ quan, đơn vị phải giải ngân 10.000 tỷ đồng nên nếu xác định “điểm rơi”, tính toán không thực tế, sát sao thì mục tiêu đề ra sẽ khó hoàn thành.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết số lượng giải ngân hằng tháng; Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố họp tháo gỡ các vướng mắc, tăng cường đi thực tế, sâu sát các dự án để tháo gỡ ngay các vướng mắc phát sinh. Đơn cử như đối với dự án rạch Xuyên Tâm và bờ bắc kênh Đôi gặp khó khăn trong giải ngân, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp họp bàn, tháo gỡ nên đến nay hai dự án về cơ bản bảo đảm tiến độ.
Đối với lĩnh vực tiêu dùng, Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Sở Công thương tập trung triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng; Sở Du lịch kích cầu du lịch. Về xuất khẩu, đề nghị Sở Công thương và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp có những biện pháp hỗ trợ xuất khẩu. Sở Công thương xác định rõ những nội dung cần hỗ trợ, có chính sách trình Hội đồng nhân dân thành phố để tham mưu; từ đó, giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Trương Minh Huy Vũ cho rằng: Kinh tế thành phố đang phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, nhất là về đầu tư công và xuất, nhập khẩu. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ưu tiên những dự án trọng điểm, cải cách hành chính, thực hiện phân cấp phân quyền, thúc đẩy chi tiêu công, tiêu dùng nội địa và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, thành phố nên tận dụng các hiệp định thương mại, ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường, hỗ trợ xuất, nhập khẩu.
Nhấn mạnh về kỷ luật, kỷ cương công vụ, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần rà soát lại để cụ thể hóa và thực hiện; đồng thời, yêu cầu siết chặt kỷ cương trong công việc. Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện việc kiểm tra lại và có văn bản nhắc nhở, nếu tiếp diễn thì sẽ phê bình thủ trưởng các đơn vị.
Các sở, ngành theo dõi, chỉ đạo, nắm bắt khó khăn, tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, báo cáo thường xuyên với thành phố. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, vận dụng việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ các chương trình công tác đã đề ra.