Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em

Hiện tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 ở một số địa phương không đạt yêu cầu, nhất là nhóm từ 12 đến 17 tuổi và từ 5 đến dưới 12 tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)
Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)

Ðể khắc phục tại Hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, sáng 2/8, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong tuyên truyền, vận động cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), tính đến ngày 1/8, tổng số liều vaccine phòng Covid-19 cả nước đã tiêm cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi là 20.730.405 liều, trong đó liều cơ bản đạt tỷ lệ hơn 99%, trong khi đó mũi ba (tiêm nhắc lại) mới đạt tỷ lệ 34,1%. Số liều tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 12.228.689 liều, trong đó mũi một là 7.942.534 (đạt tỷ lệ 69,5%), mũi hai là 4.286.155 (đạt tỷ lệ 37,5%).

Vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cho nhóm từ 12 đến 17 tuổi thấp so với tỷ lệ chung của cả nước như: Hà Tĩnh (11,3%), Ðiện Biên (9,9%), Ðà Nẵng (12,7%), Phú Yên (9,3%), Bà Rịa-Vũng Tàu (10,9%). Các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi một cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thấp là: Hà Nội (51,1%), Hà Tĩnh (47,7%), Ðà Nẵng (35,2%), Quảng Nam (39,1%), TP Hồ Chí Minh (43,8%); tỷ lệ mũi hai thấp là: Hà Nội (17,8%), Ðà Nẵng (14,7%), Quảng Nam (12,5%), Khánh Hòa (17,3%)…

Giáo sư, Tiến sĩ Ðặng Ðức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tiến độ tiêm nhắc lại cho nhóm từ 12 tuổi trở lên, liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên phạm vi cả nước trong tháng 7/2022 tăng so với tháng 5 và tháng 6, cho thấy nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành y tế tuyến cơ sở và sự tham gia của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm nhắc lại cho người từ 12 đến 17 tuổi đến nay là 34,1% là chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, tiến độ triển khai tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi từ tháng 4/2022, đến nay còn chậm.

Nguyên nhân là do chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được tổ chức trong một thời gian dài, thiếu sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại một số địa phương. Trong khi đó, hiện đã xuất hiện tâm lý chủ quan của người dân trong bối cảnh dịch được khống chế, nhiều đối tượng đã mắc Covid-19 không đồng ý hoặc lưỡng lự tiêm các mũi vaccine tiếp theo; còn nhiều cha mẹ không đồng ý đưa con em mình đi tiêm vaccine phòng Covid-19, do lo ngại ảnh hưởng lâu dài của vaccine đến sức khỏe. Bên cạnh đó, hạn sử dụng vaccine Covid-19 chỉ từ sáu đến chín tháng, ngắn hơn các loại vaccine truyền thống, trong khi lịch tiêm các mũi nhắc lại phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu với mũi trước đó, vì vậy gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch và huy động đối tượng.

Ðể đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, nhất là nhóm từ 12 đến 17 tuổi và nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương chỉ đạo ngành y tế tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra, nhất là tiêm vaccine mũi ba, mũi bốn cho từng nhóm đối tượng và tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; đồng thời thực hiện rà soát kế hoạch tiêm vaccine sáu tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch tiêm vaccine năm 2023…

Giáo sư, Tiến sĩ Ðặng Ðức Anh đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành phố phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo lên phương án đẩy nhanh tốc độ tổ chức tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 và tiêm nhắc lại cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi hoàn thành trong quý III/2022, ngay khi trẻ quay trở lại trường học; phối hợp các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Ðầu tư, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên, nhất là những người đang làm việc tại các khu công nghiệp, cán bộ tuyến đầu, lực lượng công an, bộ đội, giáo viên, cung cấp dịch vụ…; đồng thời tăng cường rà soát, quản lý đối tượng, tăng độ bao phủ tiêm mũi ba đạt hơn 90%.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng cần sớm đề xuất Chương trình COVAX, chính phủ một số nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ cho Việt Nam khoảng 5,3 triệu liều vaccine để tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 500 nghìn liều vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng từ tháng 10 đến tháng 12/2022…

Các chuyên gia y tế dự phòng cũng đề nghị ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về tác dụng, hiệu quả của vaccine phòng Covid-19, trong đó tập trung truyền thông và tiêm chủng cho các đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi (lưu ý các trẻ có nguy cơ cao, trẻ sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp); vận động cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, kịp thời các liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và liều nhắc lại (mũi ba) cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi; tiếp tục thực hiện tổ chức các điểm tiêm cố định, các điểm tiêm lưu động tại các trường học. Ngành giáo dục phối hợp ngành y tế bố trí địa điểm, cơ sở vật chất và nhân lực hỗ trợ để tổ chức tiêm cho trẻ từ 5 đến 17 tuổi tại trường học bảo đảm an toàn, đúng tiến độ theo kế hoạch đã đề ra .