Bài 1: Những tín hiệu tích cực
Với sự đột phá trong cách thức xây dựng kế hoạch, triển khai thi công, các dự án giao thông có nhiều tín hiệu tích cực về kết quả giải ngân. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11, các đơn vị ngành giao thông đã giải ngân khoảng 71.200 tỷ đồng (4.075 tỷ đồng vốn nước ngoài; 67.125 tỷ đồng vốn trong nước), đạt 75,6% kế hoạch được giao.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, đạt được kết quả này, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đã phối hợp, hỗ trợ tối đa cho nhà thầu; rà soát, rút ngắn quy trình nghiệm thu, thanh toán, vừa thuận lợi cho nhà thầu, vừa bảo đảm chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, kéo dài thời gian thanh toán.
Duy trì nhịp độ thi công
Nửa cuối tháng 11, mưa to, lũ lớn, ngập lụt xảy ra ở nhiều khu vực trong tỉnh Quảng Ngãi, gây khó khăn cho việc triển khai thi công trên công trường cao tốc bắc-nam (giai đoạn II) đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. Liên danh nhà thầu đã xây dựng phương án chi tiết, tranh thủ từng ngày, từng giờ, chủ động kế hoạch thi công để không bị ảnh hưởng tiến độ.
Đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có tổng chiều dài 88 km, trên tuyến có 3 hầm xuyên núi; trong đó, hầm 3 thuộc gói thầu XL3 là hầm cấp đặc biệt dài 3.200m. Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, đây sẽ là hầm có chiều dài lớn nhất trên tuyến cao tốc bắc-nam (giai đoạn II) và lớn thứ 3 cả nước, sau hầm Hải Vân và Đèo Cả.
Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị đứng đầu liên danh đã huy động hơn 3.000 nhân sự và gần 1.100 máy móc thiết bị để triển khai 42/43 mũi thi công; sản lượng thực hiện đến cuối tháng 11 đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Tại gói thầu XL3, nhà thầu huy động gần 700 nhân sự và 250 máy móc thiết bị, tổ chức 11 mũi thi công, trong đó tập trung thi công hạng mục hầm số 3.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chỉ huy trưởng mũi thi công phía nam hầm số 3 cho biết: "Hiện nay, đơn vị triển khai thực hiện đào cả 2 đầu bắc-nam với 4 mũi thi công trong hầm và 7 mũi thi công các hạng mục khác. Để bảo đảm tiến độ, tập đoàn đã huy động các kỹ sư có kinh nghiệm, trang thiết bị máy móc hiện đại nhất để thi công tại đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có các thiết bị máy móc dự phòng, luôn sẵn sàng tiếp ứng trong mọi điều kiện, tình huống phát sinh có thể xảy ra. Tiến độ thực hiện cả hai ống hầm trái và phải, mỗi ống đều đạt gần 250m".
Tại gói thầu XL1 của dự án, các hạng mục thi công chủ yếu là cầu và đường, bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt mưa bão. Mưa lớn kéo dài khiến việc đắp nền, xử lý đất yếu,… gần như dừng hoàn toàn. Đại diện Ban Điều hành dự án cho biết, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, sản lượng đắp nền K95 mỗi tuần có thể đạt tới 85-100 nghìn mét khối, nhưng thời gian vừa qua, chỉ đạt khoảng 10-12 nghìn mét khối. Đơn vị đã điều chuyển nhân lực, tập trung thi công cấu kiện đúc sẵn, sẵn sàng phục vụ thi công hiện trường khi thời tiết thuận lợi trở lại.
Tại gói XL2, trên tuyến có 2 hầm xuyên núi (hầm 1, hầm 2), ít bị ảnh hưởng do thời tiết, những ngày mưa lớn không thi công được bên ngoài, Ban Điều hành tập trung nguồn lực đẩy nhanh các mũi đào hầm bù sản lượng cho các hạng mục ngoài trời. Hàng trăm kỹ sư, công nhân làm việc trong hầm liên tục, không kể ngày đêm. Đến nay, ống hầm trái của hầm số 1 đạt gần 170/555m, ống phải đạt gần 420/610m. Hạng mục thi công hầm số 2 (dài gần 700m), các mũi thi công đang tiến hành đào những mét cuối cùng và với tốc độ này, sẽ bảo đảm mục tiêu thông hầm số 2 trước ngày 31/12 tới đây (vượt tiến độ 4 tháng so với kế hoạch).
Việc đẩy nhanh tiến độ thông hầm số 2 sẽ tạo tuyến đường vận chuyển mới, giảm thời gian, cự ly vận chuyển vật tư, vật liệu và thiết bị vào thi công phía bắc hầm số 3 và phía nam hầm số 2 chỉ còn khoảng 700m (thay vì vận chuyển theo đường đèo cũ là 3,6 km). Đặc biệt là giúp giảm thiểu thiệt hại và an toàn hơn so với vận chuyển trên cung đường công vụ qua đèo dốc trơn trượt, tiềm ẩn nguy hiểm khi mưa lũ kéo dài.
Gỡ vướng nguồn vật liệu
Đã gần một năm kể từ khi khởi công, vật liệu cát đắp nền vẫn là "nút thắt" lớn cản trở tiến độ dự án đường bộ cao tốc bắc-nam, đoạn Cần Thơ-Cà Mau. Đối với cát đắp nền, tổng nhu cầu dự án khoảng 18,4 triệu m3, riêng năm nay cần khoảng 9,1 triệu m3. Để bảo đảm đủ nguồn cát đắp cho dự án, tại phiên họp lần thứ 5, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho An Giang và Đồng Tháp, mỗi tỉnh cung cấp 7 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3.
Tỉnh An Giang thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu m3, đã xác định được nguồn 6,69 triệu m3; sẽ hoàn thành thủ tục khai thác 3,19 triệu m3 trong năm 2023. Tỉnh Đồng Tháp cũng đã xác định được 4,7 triệu m3, hoàn thành thủ tục để khai thác 3,3 triệu m3 trong tháng 11; số còn lại sẽ tiếp tục xác định nguồn cung và triển khai thủ tục trong năm 2023. Tỉnh Vĩnh Long đã có chủ trương cung ứng cho dự án khoảng 3,35 triệu m3 tại 4 vị trí mỏ; cam kết đẩy nhanh thủ tục để bàn giao 1 mỏ (750 nghìn m3) cho nhà thầu khai thác và phân bổ đủ nguồn cát nhu cầu năm 2023 của dự án.
Các tỉnh thống nhất triển khai đồng thời thủ tục (khảo sát, phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường,...) nhằm rút ngắn thời gian, sớm khai thác mỏ và cam kết bố trí đủ nguồn cát theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, hoàn thành thủ tục cấp mỏ trong năm nay.
Theo kế hoạch năm 2023, dự án Cần Thơ-Cà Mau được giao kế hoạch giải ngân tổng cộng hơn 7.300 tỷ đồng, trong đó đoạn Cần Thơ-Hậu Giang 3.022 tỷ đồng, Hậu Giang-Cà Mau 4.157 tỷ đồng. Theo tính toán của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), nếu nguồn vật liệu cát được đưa về công trường kịp thời, giá trị sản lượng xây lắp đoạn Cần Thơ-Cà Mau ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng (27% giá trị hợp đồng), tương ứng giá trị giải ngân hoàn thành 1.780 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế khối lượng cát cung cấp cho dự án rất nhỏ giọt, chỉ đạt hơn 1,5 triệu m3, đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu. Do thiếu cát, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã điều hành quyết liệt, chỉ đạo nhà thầu tăng ca, huy động thêm nhân sự, thiết bị, tập trung thi công phần cầu, nhất là các cầu có giá trị sản lượng lớn.
"Nhờ xây dựng kế hoạch thi công phù hợp thực tế, tuy sản lượng xây lắp chưa đạt như kỳ vọng, song sản lượng giải ngân tại cao tốc Cần Thơ-Cà Mau vẫn cơ bản bám sát kế hoạch. Dự kiến năm 2023, dự án vẫn bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao", ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền đường cho các dự án giao thông, nhất là các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long". Kết quả thực hiện dự án sẽ làm rõ chất lượng, tiềm năng cát biển và khả năng khai thác để đáp ứng nguồn vật liệu san lấp.
Bộ Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường; tổ chức thi công thử nghiệm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án Hậu Giang-Cà Mau (nguồn cát biển được khai thác tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, Trà Vinh), đã hoàn thành thi công, đưa vào khai thác từ tháng 8 vừa qua, hiện đang trong quá trình quan trắc, đánh giá.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, qua 5 kỳ quan trắc, đánh giá, kết quả cho thấy, nền đường đoạn thí điểm ổn định, các thông số môi trường nước mặt, nước ngầm, chỉ tiêu kim loại nặng trong đất chưa có biểu hiện về tăng độ mặn cũng như sự lan truyền trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công. Bộ Giao thông vận tải đã trực tiếp làm việc với Tập đoàn Geleximco và chuyên gia của Tập đoàn Boskalis (Hà Lan) cung cấp thông tin, kết quả thí điểm. Các chuyên gia Tập đoàn Boskalis đã chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng cát biển tại các dự án xây dựng công trình giao thông tại Hà Lan và cung cấp các thông tin liên quan tham khảo. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục quan trắc, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá cuối năm 2023. Nếu nghiên cứu thành công, đây sẽ là nguồn vật liệu dồi dào cho các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
(Còn nữa)