Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực

NDO - Ngày 31/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I/2023 Ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chủ trì Hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu kết luận Hội nghị.
Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu kết luận Hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: 63 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) sau khi được thành lập đã tích cực, khẩn trương xây dựng, ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình công tác, đưa hoạt động của Ban dần đi vào nền nếp.

Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và đạt được một số kết quả bước đầu tích cực. Nhất là, đã đưa nhiều vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã phát huy vai trò tham mưu, thực hiện, hoàn thành nhiều công việc quan trọng. Một số địa phương chủ động, linh hoạt tham mưu thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, qua đó đề xuất biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng; tham mưu ban hành quy trình tiếp nhận và xử lý đơn thư, thông tin, phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực…

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải báo cáo tình hình công tác quý I.

Cùng với tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh quan tâm tiến hành công tác kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong năm 2023, nhiều Ban Chỉ đạo đã ban hành chương trình kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, mạng xã hội ở địa phương quan tâm; đồng thời chú trọng chỉ đạo kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có đảng viên bị khởi tố, điều tra do tham nhũng, tiêu cực…

Ban cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra các nội dung, chuyên đề theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và hướng dẫn của các cơ quan chức năng ở Trung ương, như: Việc thực hiện một số dự án tại địa phương; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.

Xác định công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, các Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Các tỉnh có nhiều vụ án, vụ việc đưa vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo là: Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bắc Giang, Đồng Nai… Quý I năm 2023, các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 512 vụ án/1.283 bị can phạm tội về tham nhũng;số vụ án có cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 225 vụ án/835 bị can...

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ảnh 2
Đồng chí Nguyễn Thái Học giới thiệu và quán triệt nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đã giới thiệu và quán triệt nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuốn sách ghi dấu chặng đường 10 năm kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện ở các nội dung lớn: Thực tiễn cho thấy tham nhũng từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược; niềm tin trong Đảng, trong nhân dân được củng cố và dấu ấn về vai trò của người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư trong công cuộc đấu tranh này. Việc thường xuyên tổng kết, đánh giá đã giúp khắc phục những hạn chế, yếu kém, xác định đúng con đường, phương pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đúc rút được những vấn đề lý luận và thực tiễn.

Vai trò có tính quyết định của người đứng đầu của Đảng, thể hiện qua phương châm “nói đi đôi với làm, nói thẳng, nói thật, làm thật, cách làm bài bản, chắc chắn, mang lại kết quả khả quan”.

Toàn bộ tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư cần được tập hợp, tổng hợp, khái quát và hệ thống lại như là sự trả lời cho câu hỏi: Vì sao công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại đạt được thành công như vừa qua?

Sự thành công ấy không chỉ được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao và ghi nhận. Cuốn sách đã được đưa vào chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cuốn sách ra đời với mục đích hệ thống hóa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013) đến nay, khái quát thành một số vấn đề có tính lý luận và thực tiễn về cuộc đấu tranh này ở nước ta.

Việc tuyên truyền sâu rộng về cuốn sách giúp các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân quán triệt, nắm vững, triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, góp phần tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định: Mặc dù còn những khó khăn, vướng mắc ban đầu khi thực hiện chủ trương mới của Trung ương, nhưng việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ương đến địa phương, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở có chuyển biến rõ rệt. Những kết quả đạt được có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị, ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số địa phương chưa quán triệt nghiêm quy định của Ban Bí thư về thành phần tham gia Ban Chỉ đạo; bố trí nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo chưa đảm bảo cơ cấu, thành phần. Tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo chưa thống nhất, ngoài Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, một số địa phương còn thành lập Tổ tham mưu, bộ phận giúp việc của Ban Chỉ đạo (Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Bình Định, Tiền Giang,...). Một số Ban Chỉ đạo chậm ban hành quy chế làm việc, chương trình công tác, nội dung chưa cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương…

Về nhiệm vụ công tác quý II và cả năm 2023, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, dù mới đi vào hoạt động, đang trong quá trình vừa làm, vừa học, vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm nhưng yêu cầu tiên quyết đặt ra trước hết Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải thực sự là một tập thể mạnh, đoàn kết thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ. Mỗi thành viên của Ban phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào.

Một trong những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra qua tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 vừa qua đó là: Sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo là chỗ dựa vững chắc, là sự đảm bảo về mặt chính trị, tạo nên động lực to lớn và do đó, là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các địa phương càng phải phát huy bài học kinh nghiệm này.

Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác đã nêu trong Quy định của Ban Bí thư. Ban Chỉ đạo không làm thay các cơ quan chức năng, cũng không phải chỉ quan tâm và xử lý từng vụ việc cụ thể; phải kịp thời điều chuyển, thay thế những khâu, “mắt xích” yếu, bảo đảm bộ máy Ban Chỉ đạo vận hành thông suốt. Tổ chức công việc phải thật chặt chẽ; làm việc nghiêm túc, khoa học, nền nếp, kỷ luật, kỷ cương, phối hợp công tác một cách nhịp nhàng, đồng bộ. Trước mắt, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, Chương trình công tác năm 2023 và các quy định, quy trình công tác nội bộ đảm bảo hoạt động của Ban Chỉ đạo đi vào nền nếp, hiệu quả.

Tuân thủ nghiêm chế độ làm việc: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp thường kỳ 03 tháng một lần, Thường trực Ban Chỉ đạo họp thường kỳ hàng tháng và họp đột xuất khi cần. Sau phiên họp, có thông báo kết luận và triển khai thực hiện quyết liệt, có kết quả cụ thể, để cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy được do sự chuyển biến rõ rệt sau mỗi phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhưng để tạo chuyển biến rõ nét, đột phá với những kết quả cụ thể, thực chất thì phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn, những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm ở địa phương.

Trong đó lưu ý tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương giao tỉnh ủy chỉ đạo, xử lý và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm, y tế, giáo dục,...; các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để chuẩn bị tốt cho việc lấy phiếu tín nhiệm, kiểm điểm giữa nhiệm kỳ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.

Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực sự vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là công việc rất quan trọng, một điều kiện cốt yếu bảo đảm cho Ban Chỉ đạo hoạt động có kết quả.

Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy phải nỗ lực, cố gắng vươn lên khẳng định vị thế; chủ động, tích cực, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; sâu sát, cụ thể, kiên trì, quyết liệt trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.