Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và thi công cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

NDO - Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Công văn số 1369/TTg-NN ngày 15/12/2023 đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn I, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để phục vụ thi công dự án, tuy nhiên quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Triển khai Công văn số 1369/TTg-NN của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 196,62ha rừng trên địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 11541/UBND-NNMT ngày 29/12/2023, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có dự án đi qua triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đề nghị các chủ dự án thành phần thực hiện nghiêm nghĩa vụ trồng rừng thay thế để bảo đảm các điều kiện quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, về tình hình thực hiện thủ tục trồng rừng thay thế, ngày 18/12/2023, Ban Quản lý Dự án 6 - Bộ Giao thông vận tải có Công văn số 2230/BQLDA6 KH-BMT về việc đề nghị chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế đối với diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc dự án thành phần 2; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk có Công văn số 1832/BQLDAGTNN-KTTĐ về việc đề nghị chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế đối với diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc dự án thành phần 3. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Minh Chí, sau khi nghiên cứu quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng do hiện đang vướng mắc một số quy định nên chưa có cơ sở tiếp nhận tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Cụ thể, ngày 15/12/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó tại Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2024.

Ngày 26/12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 9471/BNN-LN về việc triển khai thực hiện công tác trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư nêu trên; trong đó, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai “Ban hành đơn giá trồng rừng thay thế trên cơ sở định mức kinh tế-kỹ thuật trồng rừng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương làm cơ sở để chủ dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nộp tiền theo đơn giá trồng rừng của tỉnh”.

Căn cứ quy định mới về trồng rừng thay thế nêu trên và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương xây dựng dự thảo Quyết định ban hành đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo trình tự, thủ tục rút gọn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện trồng rừng thay thế thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn I và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương thực hiện tại Thông báo số 07/TB-UBND ngày 4/1/2024.

Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và thi công cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột ảnh 1

Đến nay, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Triển khai Thông báo số 07/TB-UBND của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ soạn thảo và đến nay, dự thảo Quyết định trên đã xây dựng xong. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan để hoàn thiện, trình Sở Tư pháp thẩm định theo quy định trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành để thực hiện.

Trước đó, vào ngày 3/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành Quyết định số 1460/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều 1 Quyết định số 965/QĐ-UBND ngày 22/4/2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2009-2020, trong đó bao gồm điều chỉnh toàn bộ diện tích rừng và đất rừng để thực hiện Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng.

Liên quan đến việc rà soát hiện trạng thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các vị trí bãi thải, mỏ vật liệu phục vụ Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, ngày 13/7/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 5958/UBND-NNMT đề nghị Ban Quản lý Dự án 6 - Bộ Giao thông-Vận tải và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk khẩn trương thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thẩm định, trình phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến cuối tháng 1/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa nhận được hồ sơ của Ban Quản lý dự án 6 và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.

Theo ý kiến của các chủ đầu tư thì các bãi thải, mỏ vật liệu xây dựng là để phục vụ cho dự án đường giao thông, không thuộc hướng tuyến chính, không thuộc phạm vi thu hồi đất của dự án theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013. Do đó, việc lập thủ tục, hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng chưa được thực hiện.

Ngày 19/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 11197/UBND-NNMT đề nghị chủ đầu tư rà soát các vị trí bãi thải, mỏ vật liệu xây dựng, nếu có rừng đề nghị lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý một số kiến nghị của các huyện Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk như: Cho phép địa phương áp dụng đơn giá đối với cây Keo lai, Bạch đàn… người dân tự trồng không nhận đầu tư từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho người dân theo Quyết định số 19/2021/QĐ-UBND ngày 23/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; hướng dẫn giá cây Bời lời chưa có trong đơn giá của Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND ngày 13/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; hướng dẫn việc khai thác tận thu, tận dụng đối với cây lâm nghiệp tập trung…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Minh Chí, sau khi nghiên cứu nội dung kiến nghị và quy định pháp luật hiện hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Công văn xử lý kiến nghị của các địa phương, hướng dẫn xây dựng phương án giá rừng trồng phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Quyết định phê duyệt giá rừng trồng cây keo lai và cây bời lời do người dân tự trồng để phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có các Văn bản phúc đáp kiến nghị của Ủy ban nhân dân các huyện Ea Kar, Krông Bông và M’Đrắk về hướng dẫn phương pháp khai thác cây rừng tự nhiên và phê duyệt phương án giá rừng trồng cây Keo lai, cây Dó bầu do người dân tự trồng và hướng dẫn xử lý đối với cây trồng vượt mật độ.

Đối với việc đề nghị xem xét thẩm định, phê duyệt đơn giá thực tế đối với cây cao su trồng trên đất rừng để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn huyện Ea Kar, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar, đơn vị tư vấn và các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức họp để xem xét đối với việc xây dựng Hồ sơ định giá rừng của Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất tại cuộc họp và quy định có liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 257/SNN-CCKL ngày 24/1/2024 báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cho phép được áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật cây Cao su tại Quyết định số 2984/QĐ-UBND ngày 8/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh để thẩm định hồ sơ giá rừng trồng cây cao su của Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar.

Sau khi có chủ trương cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính sẽ thẩm định chuyên môn Hồ sơ định giá rừng của Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết theo quy định.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5km; điểm đầu tại nút giao tại Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực Cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao nhau với đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột (khoảng Km 12+ 450), tỉnh Đắk Lắk; trong đó đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa 32,7km, tỉnh Đắk Lắk 84,5 km.

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư theo quy mô đường ô tô cao tốc, tốc độ thiết kế 80-100km/giờ; giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Dự án có tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.