Giải quyết nguồn vật liệu cho đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột được khởi công ngày 18/6/2023. Hiện các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk đang đẩy nhanh tiến độ đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án. Các nhà thầu thi công dự án thành phần 2 và thành phần 3 trên địa bàn tỉnh đã tập kết máy móc, san ủi mặt bằng, thi công dự án...; tuy nhiên, hiện nay các nhà thầu gặp khó khăn về khai thác nguồn vật liệu, do nhiều mỏ khoáng sản chưa được cấp phép khai thác.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị (thứ 3, từ trái sang), kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. (Ảnh HOÀNG TUYẾT)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị (thứ 3, từ trái sang), kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. (Ảnh HOÀNG TUYẾT)

Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài hơn 116 km, điểm đầu tại vị trí giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Dự án được chia làm ba dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 2 có chiều dài 36,9 km, do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản, có nhu cầu vật liệu xây dựng gồm đá, cát, đất tại 28 vị trí mỏ. Dự án thành phần 3 có chiều dài hơn 48 km, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản, có nhu cầu vật liệu xây dựng gồm đá, cát, đất tại 39 vị trí mỏ.

Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có ý kiến thống nhất về mặt nguyên tắc đối với các vị trí bãi thải, mỏ đất, mỏ đá, mỏ cát phục vụ dự án thành phần 2, 3 và các vị trí mỏ này đều được cập nhật trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, trong 28 vị trí mỏ của dự án thành phần 2, chỉ mới có 19 mỏ được cấp phép khai thác, gồm 12 vị trí mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng trữ lượng hơn 14,3 triệu m3 nguyên khai; 7 vị trí mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng trữ lượng hơn 3 triệu m3 nguyên khai. Còn lại 9 mỏ mới chưa được cấp phép khai thác, trong đó 7 mỏ chưa có trong quy hoạch khoáng sản của tỉnh Đắk Lắk.

Đối với dự án thành phần 3, đến nay mới có 19 mỏ được cấp phép, gồm 9 vị trí mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng trữ lượng 9,8 triệu m3 nguyên khai; 7 vị trí mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng trữ lượng 3 triệu m3; 3 vị trí mỏ đất làm vật liệu san lấp với tổng trữ lượng khai thác hơn 230.000 m3.

Còn lại 20 vị trí mỏ mới chưa được cấp phép khai thác, gồm 10 vị trí mỏ đá, 2 vị trí mỏ cát và 8 vị trí mỏ đất, trong đó có 13 mỏ chưa có trong quy hoạch khoáng sản của tỉnh. Trong tổng số mỏ được cấp phép khai thác của hai dự án thành phần 2 và 3, có 12 vị trí mỏ cả hai dự án thành phần đều chọn gồm 5 mỏ cát và 7 mỏ đá.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk Đỗ Quang Trà, đối với 20 vị trí mỏ chưa có trong quy hoạch khoáng sản, các sở, ngành của tỉnh đã tích hợp vào quy hoạch các mỏ vật liệu phục vụ dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vào quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay Quy hoạch tỉnh chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại cuộc họp giải quyết những khó khăn, vướng mắc Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức mới đây, ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đại diện chủ đầu tư dự án thành phần 3 cho rằng, Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được hưởng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43, ngày 3/2/2022 của Quốc hội trong hai năm 2022 và 2023. Hiện nay, một số mỏ vật liệu xây dựng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk thống nhất chủ trương khảo sát, đánh giá trữ lượng và chất lượng, thu thập số liệu thông tin đối với các mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu phục vụ dự án có trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Phan Xuân Bách kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ cấp phép đăng ký khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường có trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho ý kiến để nhà thầu hoàn thiện trước hồ sơ. Sau khi Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk được phê duyệt, nhà thầu trình hồ sơ cấp phép đăng ký khai thác sẽ rút ngắn được thời gian xử lý hồ sơ.

Cùng quan điểm này, đại diện Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk sớm quan tâm xem xét bổ sung các vị trí mỏ vật liệu phục vụ thi công cho dự án thành phần 2, để nhà thầu có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo, bảo đảm tiến độ thi công dự án.

Trả lời về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk Trần Văn Sỹ cho biết, các mỏ vật liệu xây dựng chưa được cấp phép mà các nhà thầu thi công đề xuất không phù hợp với quy hoạch và đơn vị xin khai thác chưa đánh giá vị trí các dự án khai thác mỏ có thuận lợi hay không, chưa có đánh giá tác động môi trường và việc phục hồi sau khi khai thác như thế nào...

Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Công văn số 4181, ngày 7/6/2023 của Văn phòng Chính phủ: "Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để lập hồ sơ khai thác đối với các mỏ vật liệu không phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đắk Lắk theo đúng quy định".

Để chuẩn bị cho công tác cấp phép nguồn vật liệu đối với các khu vực mỏ chưa có trong quy hoạch khoáng sản, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở cấp phép mỏ vật liệu cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù.

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến góp ý của các ngành đối với các vị trí mỏ vật liệu để đưa vào hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu phục vụ dự án, một số đơn vị được lấy ý kiến còn phản hồi chậm trễ. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và Ban quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình đề xuất mỏ vật liệu bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ dự án phải xem xét, đánh giá cụ thể và đầy đủ các nội dung, thông tin về trữ lượng, chất lượng bảo đảm phục vụ dự án và thuận lợi về thủ tục đất đai theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thông báo số 311, ngày 7/8/2023 của Văn phòng Chính phủ.

Để tháo gỡ khó khăn về khai thác nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đề nghị, các ngành chức năng của tỉnh cần vận dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43, ngày 3/2/2022 của Quốc hội trong 2 năm 2022 và 2023, để giải quyết nhanh thủ tục cho các nhà thầu, đơn vị. Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp nhận hồ sơ và phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các nhà thầu hoàn thành các thủ tục về cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng, khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt thì cấp phép ngay cho các nhà thầu để khai thác vật liệu phục vụ thi công dự án.

Về Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã trình hồ sơ lên Thủ tướng Chính phủ. Khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tỉnh sẽ giải quyết ngay các vướng mắc liên quan nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.