Công bố sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng

NDO - Ngày 28/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam họp báo công bố sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh họp báo.
Quang cảnh họp báo.

Phát biểu chủ trì cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết: Để đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, được sự đồng ý của Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng năm nay dự kiến tổ chức vào ngày 3/8 tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Theo đó, có các sự kiện chính: Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tăng cường kết nối, thúc đẩy Chuyển đổi số ngân hàng” nhằm tổng kết các thành tựu về chuyển đối số, đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, gồm: 13 gian hàng của bốn đơn vị thuộc khối ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank; tám đơn vị thuộc khối ngân hàng thương mại cổ phần gồm: TPBank, Techcombank, VIBank, MBBank, ACB, KienLongBank, NamABank; HDBank; một đơn vị thuộc khối công ty trung gian thanh toán là VNPay nhằm giới thiệu các công nghệ, dịch vụ tiêu biểu về dịch vụ ngân hàng trực tuyến; máy giao dịch ngân hàng tự động STM, chi nhánh ngân hàng 4.0, các dịch vụ thanh toán hiện đại như thanh toán QR code, Tap to pay, Livebank, thanh toán phi tiếp xúc...

Được biết, lý do chọn “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” vào 11/5 vì đây là ngày Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng ký ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định 810/QĐ-NHNN). Việc ban hành Kế hoạch này có thể xem là cột mốc đánh dấu rõ ràng nhất về lộ trình chuyển đổi số, có ý nghĩa quan trọng giúp xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành Ngân hàng và tạo hiệu ứng lan tỏa.

Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong sáu tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% so cùng kỳ; có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC).

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% vào năm 2025. Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành Ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.