Đẩy nhanh đầu tư công đối với khu vực miền núi Bắc Bộ

NDO - Ngày 10/8, tại Hội trường Tỉnh ủy Yên Bái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến với 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; cho ý kiến đối với nội dung bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến.

Giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao vốn đầu tư công hơn 47 nghìn tỷ đồng cho các địa phương thuộc vùng trung du và miền núi phía bắc, nhằm thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bố, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương, giai đoạn 2021-2025.

Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tính đến hết ngày 30/6/2023, lũy kế thanh toán kế hoạch của 3 chương trình mục tiêu quốc gia các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc đạt hơn 3.764 tỷ đồng, đạt 32,63% so với kế hoạch, cao hơn 4,43% so với trung bình cả nước.

14/14 địa phương đã thực hiện giải ngân vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, Yên Bái thực hiện giải ngân đạt 100%; tỉnh Lào Cai, Hà Giang tỷ lệ giải ngân hơn 65%.

Đẩy nhanh đầu tư công đối với khu vực miền núi Bắc Bộ ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm vùng nguyên liệu dâu tằm tơ tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Tại hội nghị, các địa phương đã tập trung thảo luận các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tham gia ý kiến về nội dung đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các đề nghị tập trung việc Chính phủ, Bộ Tài chính giao kế hoạch vốn sự nghiệp hằng năm theo mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, không giao chi tiết cho từng tiểu dự án, dự án thành phần; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, mở rộng đối tượng được hỗ trợ thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 tại Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, xem xét nâng mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng từ mức 0,4 triệu đồng/ha/năm theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP lên mức 1 triệu đồng/ha/năm; đối với các dự án, phương án sản xuất không áp dụng Luật Đấu thầu thì thực hiện quy định về thẩm định giá vật tư, hàng hóa theo quy định...

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thực tế cho thấy nơi nào chính quyền quyết liệt thì nơi đó công việc triển khai nhanh chóng và đạt kết quả cao. Đồng thời, yêu cầu các địa phương không đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; chú trọng đến công tác giám sát và thực thi.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải giải ngân hết nguồn vốn chuyển từ 2022 sang 2023 và phấn đấu giải ngân ít nhất 90% vốn của năm 2023.

Đẩy nhanh đầu tư công đối với khu vực miền núi Bắc Bộ ảnh 2

Kiểm tra dây chuyền chế biến măng Bát Độ tại Công ty Yamazaki.

Trước đó, đoàn công tác của Trung ương đi kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia tại xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Đoàn công tác đã thăm Công ty Yamazaki Việt Nam chuyên chế biến măng tươi xuất khẩu; thăm vùng nguyên liệu và các mô hình trồng măng tre Bát Độ tại thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca. Đây là thôn đồng bào H’Mông đầu tiên của Yên Bái đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện nay, Trấn Yên đã hình thành vùng trồng tre măng nguyên liệu tập trung hơn 4.200ha; có diện tích kinh doanh hơn 3.360ha, sản lượng măng thương phẩm hằng năm đạt trung bình 30 nghìn tấn. Vụ măng Bát độ năm 2023, dự ước sản lượng đạt 32.500 tấn măng thương phẩm, giá trị thu nhập ước đạt gần 200 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, khảo sát thực tế tại cơ sở, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những nỗ lực của Yên Bái trong công tác thu hút, mời gọi đầu tư các dự án có vốn trực tiếp nước ngoài.

Việc xây dựng được nhà máy chế biến ngay trong vùng nguyên liệu là điều đặc biệt ở một tỉnh miền núi. Phó Thủ tướng lưu ý địa phương cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; duy trì, mở rộng vùng nguyên liệu măng tre Bát Độ, mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần bao tiêu sản phẩm măng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.