Bệnh nhân lao rất cần hỗ trợ an sinh xã hội

Gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam hiện còn ở mức cao. Không chỉ về ảnh hưởng sức khỏe, gia đình của những bệnh nhân lao cũng phải đối mặt với những áp lực về kinh tế, cùng những mối lo thường trực như giảm thu nhập, lâm vào cảnh nghèo vì bệnh tật…
0:00 / 0:00
0:00
Sàng lọc chủ động để phát hiện lao cho người dân ở xã Ea Ral, huyện Ea H'Leo, Đắk Lắk. (Ảnh: SCDI)
Sàng lọc chủ động để phát hiện lao cho người dân ở xã Ea Ral, huyện Ea H'Leo, Đắk Lắk. (Ảnh: SCDI)

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, Việt Nam nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Số liệu của WHO cũng ghi nhận hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao vào thời điểm trên.

Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí, song với thời gian điều trị kéo dài từ 6 đến 8 tháng, thậm chí 2 năm nếu là lao kháng thuốc, cùng với nhiều bệnh lý kèm theo, nên chi phí điều trị cho 1 bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng.

Hơn thế, bệnh lao tạo ra gánh nặng nợ nần cho nhiều gia đình, bởi những bệnh nhân mắc lao phổ biến trong nhóm người 25-54 tuổi - nhóm lao động chính trong xã hội, chiếm tới 70% số người mắc bệnh lao.

Với mỗi gia đình có bệnh nhân mắc bệnh lao, bệnh tật cũng kéo theo những áp lực kinh tế, hậu quả để lại rất lâu dài. Thay vì tích lũy, 63% hộ gia đình của bệnh nhân lao phải gánh chịu “chi phí thảm họa”- nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình, một con số rất lớn với những gia đình bệnh nhân lao.

Thống kê cho thấy, có tới 26% số người được hỏi phải ngừng làm việc hơn 6 tháng do vấn đề sức khỏe, 5% phải bán tài sản. Thậm chí, có tới 17% ý kiến khảo sát cho thấy, họ phải đi vay nợ, thu nhập trung bình giảm 25%.

Trong khi đó, có khoảng 70% bệnh nhân lao thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Bệnh tật như “cú đánh kép”, đẩy những gia đình này vào nguy cơ trở thành hộ nghèo, hoặc tái nghèo cao hơn.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người mắc bệnh lao gia tăng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, lao động di cư, người dân tộc thiểu số, tăng nguy cơ tái nghèo.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả bền vững, người mắc bệnh lao và gia đình đều cần tới hai giải pháp đồng thời: Hỗ trợ điều trị và an sinh xã hội để có thể chữa trị dứt điểm bệnh tật, vừa vững tâm khi có thêm trợ lực giúp bệnh nhân và gia đình vơi bớt gánh nặng bệnh tật.

Một trong những chính sách nhân văn, hỗ trợ thiết thực và hiệu quả chính là Chương trình Chống lao quốc gia đã thực hiện chuyển giao cơ chế cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế từ ngày 1/7/2022.

Với việc chi phí điều trị bệnh lao đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, góp phần hỗ trợ giảm chi phí, bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh, hạn chế được tình trạng lao kháng thuốc.

Bên cạnh đó, chính sách này sẽ giúp bệnh nhân lao không bị gián đoạn trong quá trình điều trị, có thể hoàn toàn chữa khỏi. Điều này cũng góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.

Cùng với hỗ trợ điều trị, việc hỗ trợ xã hội cho bệnh nhân lao cũng là một giải pháp quan trọng để giúp những bệnh nhân lao và gia đình có thể giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.

Mới đây, trong năm 2022, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) triển khai dự án Tăng cường hệ thống cộng đồng phòng, chống và chấm dứt bệnh lao (CSET) tại 7 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bến Tre và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tới nay, hệ thống cộng đồng chấm dứt bệnh lao đã thiết lập và nâng cao năng lực ở 6 tỉnh. 428 thành viên đã trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong chủ động tìm ca, hỗ trợ đưa vào và tuân thủ điều trị.

Bên cạnh đó, dự án cũng tập trung vào hỗ trợ xã hội cho bệnh nhân lao. Những bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn, hoặc gặp khó khăn về giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế, còn sử dụng ma túy… được hỗ trợ để bệnh nhân tiếp cận được và tuân thủ điều trị. Thí dụ, SCDI đã hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 6 bệnh nhân, hỗ trợ dinh dưỡng và đưa một số bệnh nhân vào điều trị Methadone.

Việc lồng ghép các chương trình, chính sách an sinh xã hội cũng được xem là giải pháp lâu dài để có thể giúp bệnh nhân bớt gánh nặng về kinh tế, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, việc cấp thuốc lao bằng nguồn quỹ bảo hiểm y tế góp phần giảm gánh nặng tài chính đối với bệnh nhân, đồng thời thể hiện sự nhân văn của chính sách an sinh này.

Từ tháng 7/2022, thuốc chống lao từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế được cấp cho bệnh nhân lao trên toàn quốc ghi dấu quan trọng, nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam.

Hiện chi phí điều trị bệnh lao đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, trong khi đó các nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh lao có thể hoàn toàn chữa khỏi.

Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ bảo đảm 100% bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế. Thực tế cho thấy, Covid-19 khiến người dân không tiếp cận y tế thường xuyên, nên tỷ lệ điều trị khỏi lao và tái phát mới chỉ đạt 77%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của WHO (85%) và của Chương trình Chống lao quốc gia (90%).