Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em

NDO -

Ngày 19-12, tại TP Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức Hội thảo tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước ở trẻ em ở các tỉnh, thành phố phía nam.

Quang cảnh hội thảo tăng cường tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Quang cảnh hội thảo tăng cường tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động phòng chống thương tích ở trẻ em trong đó có tai nạn đuối nước, các bộ ngành, địa phương có các chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Cộng đồng, gia đình quan tâm trong công tác này. Nhờ vậy, tai nạn đuối nước ở trẻ em giảm đều hàng năm.

Tuy nhiên, mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em bị chết do đuối nước và đây vẫn là vấn đề thách thức đối với gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, tai nạn đuối nước trẻ em ở khu vực nông thôn cao gấp bốn lần ở thành thị. Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng trẻ em chết do đuối nước cao hơn các khu vực khác trong cả nước.

Nguyên nhân của tình trạng đuối nước ở trẻ em thường xảy ra ở gia đình nghèo, cha mẹ phải vất vả mưu sinh nên thiếu quan tâm chăm sóc đối với các em; môi trường sống không an toàn; không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn cho trẻ em; nguồn lực đầu tư, công tác truyền thông… về tai nạn đuối nước ở trẻ em còn hạn chế.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước trình bày nhiều tham luận về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em cụ thể, thiết thực. Để hạn chế tai nạn đuối nước trẻ em, thời gian tới, Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ LĐ-TB-XH yêu cần các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về công tác này.

Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ngành, các cấp cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông trực tuyến, mạng xã hội, mạng viễn thông nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước cho cộng đồng và gia đình.

Bên cạnh đó, các địa phương có chương trình hành động cụ thể và bố trí nguồn nhân lực, tài lực để thực hiện các dự án phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em. Hơn hết, gia đình và cộng đồng cần quan tâm chăm sóc bảo vệ các em, tạo môi trường sống an toàn lành mạnh nhằm hạn chế tai nạn thương tâm xảy ra đối với các em.