Đẩy mạnh phong trào thi đua, gắn quyền lợi người lao động

NDO - Ngày 3/1, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân.
Trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, quyết tâm lao động giỏi, lao động sáng tạo với năng suất, chất lượng hiệu quả cao nhất; phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; ổn định việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người lao động.

Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2022 cho thấy, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động. Tập trung vào các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”…

Năm 2022, toàn thành phố đã có hơn 56 nghìn “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, 1.655 “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở. Hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, kết thúc giai đoạn 1 của chương trình, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng người đăng ký tham gia, tỷ lệ sáng kiến tham gia chương trình đạt 108% chỉ tiêu đăng ký, vượt 200% chỉ tiêu.

Để phong trào thi đua đạt hiệu quả thiết thực, năm 2023 lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn từng bước nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, để khen thưởng thực sự là động lực của thi đua. Việc tổ chức phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở, cần xác định rõ chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện; chú trọng đến công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, những tập thể nhỏ.

Theo kế hoạch, các cấp Công đoàn tập trung tổ chức phát động phong trào thi đua trong công nhân viên chức lao động Thủ đô năm 2023, theo 2 đợt: Đợt 1 từ 1/1-30/6, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp”; đợt 2 từ 1/7-31/12 với chủ đề “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023”. Đáng chú ý, mỗi công đoàn cấp trên cơ sở chọn từ 1-2 đơn vị tổ chức phát động thi đua cao điểm từ nay đến ngày 15/02.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đánh giá: các nhiệm vụ có độ khó cao được Công đoàn Thủ đô triển khai quyết liệt, đạt kết quả khả quan như: Công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở; Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, góp phần cùng Thành phố tạo ra kỳ tích phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022.

Công đoàn Thủ đô đã tiếp tục phát huy vai trò của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong hoạt động để mang lại nhiều quyền lợi hơn cho người lao động. Đặc biệt, Công đoàn Hà Nội đã sớm nhận rõ vai trò then chốt của đối thoại, thương lượng xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, xác định việc thành lập Công đoàn cơ sở gắn liền với nhiệm vụ xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, hình thành trong thực tiễn những Công đoàn cơ sở tổ chức bài bản thương lượng về tiền lương, được đoàn viên hậu thuẫn, bảo vệ cán bộ Công đoàn trong thương lượng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: sự phát triển của Thủ đô vừa qua có sự đóng góp rất lớn của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân viên chức lao động. Tổ chức Công đoàn Thủ đô đã vượt qua khó khăn của năm 2022, giữ vững vai trò là tổ chức chính trị-xã hội quy tụ đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Liên đoàn Lao động thành phố đã làm tốt công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; đề xuất với thành phố kiến nghị của người lao động; cụ thể hóa hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị người lao động, thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo đoàn viên, người lao động.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, thời gian tới, tổ chức Công đoàn Thủ đô tiếp tục quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động. Trong đó, chú ý nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể; bảo đảm Thỏa ước lao động tập thể dựa trên quy định của pháp luật, nhưng cũng cần bảo đảm hài hòa về mặt lợi ích, thu nhập của người lao động và sử dụng lao động. Doanh nghiệp có thu nhập thì người lao động mới có thu nhập cao, ngược lại năng suất lao động có tốt thì doanh nghiệp mới phát triển và chăm lo được. Điều này phải được thẩm thấu từ Công đoàn cơ sở, cán bộ Công đoàn các cấp.

Tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tự chủ với các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó hội nghị cán bộ công chức viên chức vô cùng quan trọng. Vai trò của công đoàn, công nhân, viên chức, lao động là rất lớn, cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa.