Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế

Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả tích cực về hội nhập kinh tế quốc tế, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ở thành phố vẫn chưa tận dụng, khai thác được những ưu đãi từ quá trình hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia giải thích những chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế với doanh nghiệp trong một hội nghị vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các chuyên gia giải thích những chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế với doanh nghiệp trong một hội nghị vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp đối mặt nhiều rào cản, thách thức

Ông Phạm Bình An, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế cho biết: Trong thời gian qua, thành phố đã tích cực triển khai các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Thành phố cũng là địa phương có hoạt động thương mại, đầu tư lớn nhất cả nước. Năm 2022, thành phố có tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 110 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 3,94 tỷ USD. Thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông về hội nhập quốc tế với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hướng đến các nội dung chuyên sâu gắn với tình hình thế giới thường xuyên biến động. Tuy vậy, dù có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước (chiếm từ 25-30% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước) nhưng phần lớn doanh nghiệp của thành phố là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và những doanh nghiệp này ít quan tâm câu chuyện hội nhập quốc tế. Ngược lại, gần như chỉ có các doanh nghiệp lớn, có hoạt động xuất khẩu mới quan tâm nhiều đến vấn đề hội nhập toàn cầu. Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp thành phố với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn ít, chưa như mong đợi.

Cùng với đó, việc triển khai các vấn đề trong các FTA thế hệ mới như lao động, công đoàn, môi trường, xu hướng chuyển đổi kép, chuyển đổi năng lượng… chưa được các bộ, ngành trung ương hướng dẫn cụ thể để địa phương có sự chuẩn bị nhằm thực thi hiệu quả. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, trong khi các thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi, đề ra những nhu cầu, tiêu chuẩn khắt khe.

Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, thế giới ngày nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, tập trung những xu thế sau: Chuyển từ nền kinh tế tri thức tới toàn cầu hóa số và kinh tế số dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; toàn cầu hóa chuyển dần sang khu vực hóa thương mại, xu hướng hợp tác song phương đang chiếm ưu thế so với hợp tác đa phương; sự đấu tranh giữa xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại và chống bảo hộ thương mại; xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên thế giới sau đại dịch Covid-19... Dự báo, trong 10 năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ diễn biến nhanh, phức tạp với nhiều biến động khó lường, tác động đa chiều tới môi trường an ninh, kinh tế của nước ta. Trong đó, xung đột tại một số quốc gia, khu vực và hậu quả của dịch Covid-19 tiếp tục gây cản trở dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Tình hình trên đã thúc đẩy nhanh hơn các xu hướng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, bền vững... Các hàng rào kỹ thuật mới, "rào cản xanh" và xu hướng chuyển đổi kép (xanh và số) được các quốc gia áp dụng nhiều hơn trong kiểm soát việc nhập khẩu hàng hóa và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Theo ông Phạm Bình An, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế, để bảo đảm hội nhập quốc tế đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp không chỉ chủ động mà các hiệp hội ngành hàng, cơ quan chuyên môn cũng cần có bộ phận chức năng đầu mối, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện vấn đề hội nhập quốc tế.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, để khai thác hiệu quả các cơ hội mà quá trình hội nhập quốc tế mang lại, trước hết phải có giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đến doanh nghiệp về các ưu đãi của các FTA, hướng dẫn cụ thể cho từng nhóm ngành nghề hoặc nhóm địa phương có điều kiện tương đồng nhau. Qua đó, giúp doanh nghiệp nhận diện, nắm rõ ưu điểm và nhược điểm; từ đó, có giải pháp điều chỉnh, tận dụng hiệu quả các cơ hội của quá trình hội nhập và các FTA thế hệ mới.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, để tăng cường xuất khẩu nông sản trong bối cảnh mới, doanh nghiệp thành phố cần phải nâng cao năng lực sản xuất, quản lý và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu khác của thị trường; giám sát, kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Song song đó, cần đặt mục tiêu bảo đảm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm lên hàng đầu; đồng thời, thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý-doanh nghiệp-người sản xuất nhằm bảo đảm giá trị, chất lượng và an toàn cho toàn bộ chuỗi cung ứng...

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, cần chú trọng một số chính sách, giải pháp: Tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bồi đắp nội lực của nền kinh tế bằng việc quyết liệt cơ cấu lại kinh tế, phát triển đồng bộ các ngành kinh tế quan trọng gắn với thương mại, xuất nhập khẩu... Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường toàn cầu, cần tranh thủ những ngành công nghệ có thể đem lại hiệu quả, chất lượng cao; phát triển công nghiệp phụ trợ; đẩy mạnh cải thiện hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, để thu hút hơn nữa dòng vốn FDI từ các tập đoàn hàng đầu của thế giới. Tiếp đó, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa thông qua việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Trong đó, tập trung phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian thay thế sản phẩm nhập khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung thay thế thông qua việc tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các FTA thế hệ mới. Tận dụng tối đa những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cho tăng trưởng kinh tế. Ðối với xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại…; đồng thời, chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có một số lợi thế để tận dụng, khai thác sự dịch chuyển này.