Đẩy mạnh du lịch nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân

Dựa trên nguồn lực sẵn có, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đẩy mạnh mô hình du lịch sinh thái, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00

Thực tế đã chứng minh mô hình này đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực khi thu hút khách tham quan, trải nghiệm trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng ước tính từ 20-30% mỗi năm.

Mô hình này không chỉ mang lại doanh thu cho ngành du lịch, mà còn mang lại thu nhập cho người nông dân, cho ngành nông nghiệp.

Để góp phần nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho nông dân, phát triển mô hình du lịch sinh thái bền vững, mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định phê duyệt Đề án "Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023-2025".

Mục tiêu của đề án là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của du lịch nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề nông thôn, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khu vực.

Đồng thời, quảng bá, kết nối thị trường cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP, phát triển đa dạng chủng loại quà lưu niệm do chính người nông dân làm ra trong việc kết hợp lồng ghép trong chương trình du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố.

Đối tượng hưởng lợi từ đề án là hội viên nông dân trên địa bàn thành phố trực tiếp sản xuất nông nghiệp và tham gia hoạt động khởi nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, sản phẩm du lịch.

Thêm nữa, đối tượng hưởng lợi là các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, làng nghề truyền thống, hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác, các khu du lịch, điểm du lịch cộng đồng, các công ty du lịch lữ hành...

Cần thẳng thắn nhìn nhận, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố tuy có khởi sắc trong những năm qua nhưng nhìn chung vẫn chưa tạo được lực "hấp dẫn" cho du khách trong nước và quốc tế.

Việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn thiếu một tầm nhìn dài hạn, đa phần các mô hình du lịch nông nghiệp ít được đầu tư, đổi mới; sản phẩm lưu niệm làm bằng sản phẩm nông nghiệp chưa đa dạng, phong phú; chưa có mô hình nông nghiệp đặc trưng gắn với phát triển du lịch nông nghiệp; đội ngũ tư vấn du lịch nông nghiệp còn hạn chế…

Để du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp đạt được mục tiêu của Đề án "Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023-2025", các cơ quan liên quan cần có chiến lược đầu tư "dài hơi".

Chú trọng nghiên cứu, đề xuất xây dựng các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp theo hướng khuyến khích, hỗ trợ người nông dân tham gia làm du lịch nông nghiệp phù hợp định hướng phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh, nghĩa tình; đồng thời, đẩy mạnh phổ cập một số kiến thức cơ bản về du lịch cho cán bộ, hội viên nông dân; hỗ trợ nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có phương pháp, kỹ năng xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất bảo đảm an toàn chất lượng cao, thân thiện với môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của thành phố.

Trên nền tảng du lịch nông nghiệp hiện có, các đơn vị liên quan cần có chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao, xem đây là sản phẩm du lịch đặc thù của thành phố để thu hút du khách.

Ngoài ra, thành phố cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại các vùng nông thôn; nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất để phát triển du lịch nông thôn; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nông thôn; phát triển du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm khác như du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch với các làng nghề.