Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đã phục hồi và phát triển. Số lượng HTX thành lập mới, hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng ở tất cả các địa phương, tạo điều kiện cho việc đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ thành viên, đẩy mạnh liên kết giữa các thành viên và các HTX, doanh nghiệp… trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.
Khẳng định vai trò dẫn đầu của HTX
Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), sự gắn kết, thống nhất giữa các thành viên được thể hiện khá rõ qua việc xây dựng kế hoạch sản xuất cũng như điều hành quá trình cung ứng, tiêu thụ nông sản.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Thiệu Hưng Nguyễn Văn Dương cho biết, hiện HTX có 10 khâu dịch vụ hoạt động hiệu quả, trong đó có ba vùng rau đã được chứng nhận VietGAP, xây dựng được 4,1 ha nhà màng công nghệ cao và đã có hai sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao là: Dưa vàng Vạn Hà và dưa chuột Baby Vạn Hà. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ trong huyện, trong tỉnh và được các tỉnh ngoài ký hợp đồng dài hạn, nhiều sản phẩm được lựa chọn tham gia các chương trình hội chợ trong và ngoài tỉnh. Hiện HTX có 505 thành viên với số vốn cổ phần 1,5 tỷ đồng; sản xuất, kinh doanh tăng trưởng hằng năm gần 15%. Lãi chia theo vốn góp thành viên, trung bình hằng năm từ 14% trở lên.
Ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cũng là hướng đi của HTX Khiết Tâm, xã Thanh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Hiện HTX có 300 hộ thành viên, vốn điều lệ 6 tỷ đồng, chủ yếu hoạt động liên kết sản xuất trong cánh đồng lớn, phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa chất lượng cao trên diện tích 340 ha.
Ðể không bị bỏ lại phía sau trong quá trình ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, HTX đã mạnh dạn đầu tư 1,4 tỷ đồng mua máy gặt đập liên hợp, ba máy san ủi đất bằng tia laser, máy cuốn rơm và bảy máy cày theo sự hỗ trợ của Vườn ươm công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc.
Kết quả trong năm 2023, HTX đạt lợi nhuận hơn 739 triệu đồng, thu nhập của xã viên khoảng 6,3 triệu đồng/tháng. Ghi nhận những thành tích đó, HTX đã nhận được giấy chứng nhận sản xuất lúa, gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Không chỉ đi đầu trong ứng dụng khoa học-công nghệ, xây dựng kế hoạch sản xuất, hoạch định chiến lược kinh doanh, HTX còn cho thấy vai trò cầu nối, hỗ trợ người dân chủ động trong tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng "được mùa, rớt giá".
Bằng những kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có, HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đã trở thành địa chỉ tin cậy của xã viên và những người nông dân tại địa phương.
Theo Giám đốc HTX Vĩnh Cường Trịnh Văn Cường, hiện HTX có 845 thành viên với tổng số vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng. HTX hoạt động theo phương châm, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình sản xuất, HTX đã thực hiện ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa cho 6.000 hộ thành viên và nông dân với tổng diện tích 50.000 ha/năm. Số lượng lúa thu mua từ 350 đến 500 nghìn tấn. Hiện tại HTX liên kết với ba tập đoàn và 11 công ty trong việc tiêu thụ lúa đầu ra cho người dân. Ngoài ra, HTX còn cung ứng các dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp như: Gặt, cày, xới, phun thuốc… giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí sản xuất, xã viên HTX, nông dân địa phương chủ động được mùa vụ.
Phát triển bền vững
Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương xác định, đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 28 nghìn HTX, hơn 100 liên hiệp HTX và khoảng 100 nghìn tổ hợp tác; trong đó, HTX nông nghiệp chiếm khoảng 66%. Ðây chính là mục tiêu và cũng là đích đến để Chính phủ, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư, tăng năng lực cho các HTX.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường Trịnh Văn Cường cho biết, để các HTX phát triển bền vững cần xây dựng cơ chế mở để các HTX tiếp cận nguồn vốn. Ðồng thời, bản thân các HTX cũng phải công khai minh bạch kế hoạch sản xuất, nguồn vốn… tạo niềm tin cho người dân. Bên cạnh đó cũng phải thay đổi tư duy, áp dụng khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, giảm chi phí đầu vào và tìm kiếm thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên. Có như vậy, các HTX mới có khả năng thu hút thêm được nhiều người tự nguyện tham gia.
Chính sách thông thoáng để HTX tiếp cận nguồn vốn cũng là mong muốn của hầu hết các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước nói riêng, các HTX nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bản thân các HTX cần nâng cao năng lực tự chủ, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ lợi ích của các thành viên, đa dạng hóa thành viên, đẩy mạnh thu hút hộ cá thể tham gia HTX.
Hiện, nhiều HTX đã chủ động nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nghề cho người lao động và thành viên gắn với sản phẩm của HTX. Ðồng thời, đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị… góp phần đưa nông sản chủ lực vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều HTX còn đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, liên kết với doanh nghiệp… với những hoạt động cụ thể như: Hỗ trợ giống, vật tư, thiết bị sản xuất thậm chí đặt cọc bằng tiền… giúp nông dân, xã viên yên tâm sản xuất, tuân thủ kỹ thuật canh tác, nhằm đạt kết quả cao nhất.
Thực tế cho thấy, sự lớn mạnh của các HTX nông nghiệp, không chỉ đem đến những giá trị kinh tế cao cho xã viên HTX và nông dân mà còn phát huy vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhiều công trình công cộng phục vụ cộng đồng đã được hình thành phát huy tác dụng cũng như công năng… từ nguồn xã hội hóa. Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, trong năm 2024 phấn đấu thành lập ít nhất 3.000 tổ hợp tác, 2.000 HTX và 15 Liên minh HTX. Bên cạnh đó, số HTX hoạt động có hiệu quả đạt hơn 60% tổng số HTX; số thành viên HTX tăng từ 8% trở lên với mức thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng 8% trở lên so với năm 2023, đạt trung bình hơn 4 triệu đồng/người/tháng.