Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Lạng Sơn Nguyễn Anh Yến, năm 2023, Sở Tài chính Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, quyết định về quản lý giá trên địa bàn; thẩm định tham mưu trình UBND tỉnh quyết định giá, đơn giá các mặt hàng do Nhà nước định giá như đơn giá dịch vụ công ích đô thị. Các đơn vị chức năng ngành tài chính cũng đã quán triệt rất tốt công tác này.
Kiểm tra thực hiện quản lý giá ở vùng biên giới
Theo Phó Cục trưởng Thuế tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Chiến Thắng cho biết, trong năm 2023, Cục Thuế tỉnh, chỉ đạo các Phòng, chi cục Thuế tập trung kiểm tra các doanh nghiệp hoàn thuế, giải thể, phá sản, doanh nghiệp kinh doanh nhiều năm thua lỗ nhưng tài sản tăng (tài sản của công ty, thành viên công ty…) doanh nghiệp khai thác tài nguyên; doanh nghiệp có nợ thuế lớn. Tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hóa đơn nhất là các hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không lập hóa đơn giao cho người mua; lập hóa đơn ghi giá bán thấp hơn giá thực tế; hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, kết quả xử lý vi phạm cho thấy, kiểm tra 679 vụ thì số vụ phát hiện vi phạm và xử phạt là 512 vụ; số tiền phạt vi phạm hành chính là 416 triệu đồng.
Trong những ngày giáp Tết này, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã phối hợp Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn, Cục Quản lý thị trường trong nước, Bộ đội biên phòng đi khảo sát thực tế tại một số điểm chợ dân sinh truyền thống và một số kho hàng trên địa bàn.
Khảo sát thực tế cho thấy, về cơ bản hàng hóa trên thị trường tương đối đa dạng, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, hải sản và rau củ quả xanh có nguồn cung dồi dào, do thời tiết thuận lợi cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung sức mua kém hơn mọi năm, thị trường mua bán ngay trong khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh cũng tương đối cầm chừng.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phối hợp Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn, Cục Quản lý thị trường trong nước, Bộ đội biên phòng đi khảo sát thực tế tại một số điểm chợ dân sinh truyền thống và một số kho hàng trên địa bàn. |
Trong năm 2023, Lạng Sơn đã tổ chức theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao, chủ động phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tỉnh thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng hóa nông thôn ra thành thị; các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối với các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu để cung ứng sớm, đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng tốt, nhất là tại vùng xa, biên giới. Trong đó, Lạng Sơn đã có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với tổ chức tín dụng để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết; đẩy mạnh các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá dịp Tết
Bộ Tài chính cũng cho biết, để tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn 2024 và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường nhất là các mặt hàng mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá những vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết. Đồng thời, thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ,... Chú trọng các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng hàng không, các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa...; kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt tại các địa bàn xảy ra thiên tai, bão lũ… không để nhân dân bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.