Để tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là khẩu hiệu

Ngày 14/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Nghị quyết 53/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, nêu rõ những nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện. Trước đó, vào ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Điều này cho thấy, nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong bối cảnh đất nước đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Tăng tốc giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Tăng tốc giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Trong thực tế, tiết kiệm, chống lãng phí đã và đang là phương châm, là khẩu hiệu được nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó là chấp hành pháp luật về lĩnh vực này còn chưa nghiêm, chưa được chú trọng thực chất, còn hình thức, chiếu lệ, qua loa. Một số cơ quan, đơn vị còn tình trạng chi vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc sử dụng kinh phí sai mục đích trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, chi thường xuyên; không thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước đã và đang gặp nhiều bất cập, hạn chế, hiệu quả thực tế thấp. Quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị còn hiện tượng buông lỏng, lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân, kiểm soát không chặt chẽ...

Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh lý do một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa hiệu quả. Ý thức trách nhiệm, sự quyết tâm của không ít cơ quan, tổ chức và cá nhân không cao; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có lúc, có nơi còn hình thức, chiếu lệ. Các cơ quan chức năng chưa có quy định cụ thể hành vi gây lãng phí, chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả trong triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc triển khai luật vào cuộc sống còn hạn chế.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để nội dung quan trọng này không chỉ là khẩu hiệu, không chỉ là phát động phong trào rầm rộ, hình thức. Để đạt được mục tiêu nêu trên, mỗi người cần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thật sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Tiết kiệm, chống lãng phí chỉ có kết quả thực chất nếu được thực hiện tự nguyện, chủ động và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Các cơ quan tư pháp, thanh tra cần tập trung hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chú trọng phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đáng chú ý, từ năm 2023, Chính phủ triển khai trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực... Đây là một chủ trương quan trọng cần được sớm triển khai thực hiện để góp phần đưa việc tiết kiệm, chống lãng phí tự giác, có hiệu quả.