Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan đến công tác biển, đảo; các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực biển, đảo...
Các ý kiến tham luận tập trung làm rõ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển bền vững kinh tế biển; thực trạng phát triển các ngành kinh tế biển của Việt Nam hiện nay; công tác đối ngoại, tuyên truyền, thông tin đối ngoại liên quan đến vấn đề biển đảo… Qua đó khẳng định tầm quan trọng, vị trí chiến lược trọng yếu của biển, đảo trên các phương diện quốc phòng, kinh tế, hợp tác quốc tế.
Yêu cầu đặt ra là phát triển kinh tế biển Việt Nam phải hài hòa, phù hợp giữa các vùng, địa phương ven biển và giữa các ngành, lĩnh vực liên quan; đồng thời tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác quốc phòng, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên biển Đông để bảo vệ chủ quyền độc lập, phát triển đất nước.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, kinh tế biển đã có được những bước phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương và cho cả nước; đồng thời qua thực tiễn cũng rút ra những kinh nghiệm và định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền về biển, đảo trên toàn quốc năm 2024 và những năm tiếp theo.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, đóng góp vào nền kinh tế đất nước, giải quyết các vấn đề quốc tế thì cần thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học biển, đảo.