Bà Rịa-Vũng Tàu có bờ biển dài với bãi cát thoải, sạch, nước trong và đủ điều kiện phát triển du lịch chất lượng cao. Đây cũng là điểm cuối của dải ven biển từ miền trung trở vào có thể phát triển du lịch biển. Bên cạnh đó, Bà Rịa-Vũng Tàu sở hữu nhiều khu vực cảnh quan hấp dẫn, môi trường trong lành, cùng các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc.
Đáng chú ý, quần đảo Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được biết đến vừa là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên rừng, biển, một trong những khu Ramsar được thế giới công nhận và đánh giá cao. Chưa kể, địa phương này nằm liền kề với các trung tâm kinh tế, tập trung đông đúc dân cư của vùng Đông Nam Bộ và có thị trường hơn 18 triệu dân với thu nhập tính theo đầu người cao gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh...
Bà Rịa-Vũng Tàu có cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải dài gần 20 km. Đây là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng và cả khu vực phía nam. Cái Mép-Thị Vải là cảng duy nhất của Việt Nam và là một trong 20 cảng lớn trên thế giới nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, hiệu quả.
Theo ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp của Savills Việt Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu là khu vực không chỉ có giá thuê cạnh tranh và cơ sở hạ tầng phù hợp ngành công nghiệp từ trung bình đến nặng mà còn có khả năng tiếp cận với một cụm cảng biển đang phát triển.
Cụm cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải là giải pháp thay thế tuyệt vời cho hệ thống cảng đông đúc của Thành phố Hồ Chí Minh. Với chiều dài 20 km và đã đón hơn hai triệu TEU vào năm 2020, cảng Cái Mép đang nhận sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và sẽ trở thành trung tâm vận tải biển quan trọng vào năm 2045. Sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ xoay quanh hai trục chính là sân bay Tân Sơn Nhất và hệ thống cảng Sài Gòn.
Tuy nhiên, sắp tới, trục chính của ngành hàng không sẽ chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất về sân bay Long Thành, khi sân bay này hoàn thành thì hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa ngõ cảng biển sẽ dịch chuyển chủ yếu về cảng Cái Mép-Thị Vải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là lợi thế, nguồn tài nguyên quý để phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia với trọng tâm là hình thành “Khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ”.
Theo đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung phát triển loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng như: du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị (MICE), du lịch biển, du lịch sinh thái; tiềm năng phát triển du lịch trên hệ thống sông Dinh, sông Chà Và, Vườn quốc gia Côn Đảo kết nối với rừng ngập mặn thuận lợi cho du lịch sinh thái bằng cano, du thuyền; du khách có thể khám phá toàn cảnh của Bà Rịa-Vũng Tàu, ngắm hệ thống cảng dầu khí, làng bè, tham quan nuôi hải sản, thưởng thức ẩm thực đặc sắc… Chưa kể Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là địa phương tập trung nhiều cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp hoặc tương đương bốn, năm sao, có hạ tầng giao thông thuận lợi trong khu vực Đông Nam Bộ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định: Với các yếu tố nêu trên, cơ hội để Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia và thành một cực tăng trưởng quan trọng của đất nước là hoàn toàn có cơ sở. Theo quy hoạch được duyệt, đến năm 2030, địa phương trở thành tỉnh trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức. Đến năm 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời, là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ; duy trì sự phát triển năng động và bền vững, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố then chốt “hạ tầng tốt, môi trường tốt, nhân lực tốt”.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có các giải pháp đột phá phát triển trong thời gian tới là: Hoàn thành các tuyến giao thông kết nối tỉnh với vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng, kết nối thuận lợi giữa tỉnh với vùng, cả nước và quốc tế để Bà Rịa-Vũng Tàu thật sự trở thành cửa ngõ của vùng và của quốc gia; hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; thu hút các nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh, đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế; hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội; định vị Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế; hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại.