Đại hội lần thứ VIII của Đảng

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đại hội lần thứ VIII của Đảng diễn ra từ ngày 28-6 đến 1-7-1996, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.198 đại biểu đại diện cho gần 2,13 triệu đảng viên trong toàn Đảng.

Đại hội đánh giá, sau 10 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, đất nước đã vượt qua giai đoạn thử thách gay go. Công cuộc đổi mới đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra trong 5 năm 1991-1995 đã hoàn thành về cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,...

Từ thực tiễn đổi mới, Đảng rút ra nhiều bài học quý, như kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị; xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt,...

Đại hội đề ra mục tiêu, từ năm 1996 đến 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Mở rộng thương nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại. Hình thành dần một số ngành mũi nhọn như chế biến nông, lâm, thủy sản, khai thác và chế biến dầu khí, một số ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, du lịch,... Tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước theo hướng nhà nước của dân, do dân và vì dân,…

Đại hội nhận định, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành tựu của đổi mới. Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, khắc phục các khuyết điểm, biểu hiện tiêu cực và yếu kém. Đảng phải mạnh từ Trung ương đến cơ sở, ở tất cả các cấp, các ngành. Phải thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên; chăm lo xây dựng cán bộ, chú trọng đội ngũ cán bộ chủ chốt, chuẩn bị tốt cán bộ kế cận; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng,...

Đại hội bầu Ban Chấp hành T.Ư gồm 170 ủy viên. Ban Chấp hành T.Ư bầu Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công làm Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư.

Tại Hội nghị T.Ư 4 họp từ ngày 22 đến 29-12-1997, Ban Chấp hành T.Ư chấp nhận đề nghị của Tổng Bí thư Đỗ Mười về chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư; bầu đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt được giao làm Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư.

(Biên soạn từ Văn kiện Đảng toàn tập)