Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-1-2013 với mục tiêu: từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện; trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở các chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng KCB. Ðồng thời, giao Bộ Y tế xây dựng và triển khai đề án thành lập và phát triển mạng lưới BVVT, ưu tiên năm chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
Theo Cục trưởng Quản lý KCB (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, mục tiêu chung của Ðề án BVVT giai đoạn 2013 - 2020 do Bộ Y tế ban hành là: nâng cao năng lực về KCB cho các BVVT thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được KCB chất lượng cao ngay tại các BVVT (không phải lên tuyến trên), trước mắt tập trung ưu tiên năm chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Sau đó, Bộ Y tế phê duyệt bổ sung thêm các chuyên khoa: nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Một số mục tiêu cụ thể gồm: 100% bệnh viện tiếp tục duy trì, củng cố phát triển việc áp dụng các kỹ thuật đã được chuyển giao; bảo đảm giảm hơn 90% tỷ lệ chuyển tuyến từ BVVT lên bệnh viện hạt nhân (Bệnh viện tuyến trên) nhóm bệnh liên quan đến kỹ thuật đã được chuyển giao; giảm hơn 70% tỷ lệ chuyển tuyến từ BVVT lên bệnh viện hạt nhân…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, cũng như sự quan tâm đầu tư của UBND các cấp, đến nay, sau 5 năm thực hiện Ðề án BVVT, cả nước có 23 bệnh viện hạt nhân với 127 BVVT thuộc 10 chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Ðã có gần 2.000 kỹ thuật được các bệnh viện hạt nhân chuyển giao cho các BVVT, chủ yếu là các kỹ thuật cao, chuyên sâu như: phẫu thuật động mạch chủ ngực, chủ bụng; phẫu thuật tuyến giáp nội soi; phẫu thuật ung thư tiêu hóa, nội tiết; phẫu thuật cắt gan; phẫu thuật thay khớp… Có 85,5% số BVVT giảm được tỷ lệ chuyển tuyến. Ðáng mừng, mô hình BVVT đã phát triển rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, không chỉ dừng lại ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh, mà còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện như: Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La), Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai), Trung tâm Y tế huyện Tam Ðường (Lai Châu)… và ở một số bệnh viện ngoài công lập. Thống kê cho thấy: tỷ lệ chuyển tuyến từ BVVT lên bệnh viện hạt nhân giảm rõ rệt; tình trạng quá tải của các bệnh viện hạt nhân cũng đã giảm; hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương đã cam kết không để người bệnh phải nằm ghép. Ðề án cũng góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ KCB của các BVVT, củng cố lòng tin của người dân đối với BVVT, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại BVVT…
Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế (Bộ Y tế) Phạm Như Hiệp: Hiện nay, Ðề án BVVT mới chỉ giới hạn hỗ trợ cho một số bệnh viện và một số chuyên ngành, việc tổ chức các khóa đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo hình thức tập trung còn gặp nhiều khó khăn do không tập hợp đủ học viên từ các BVVT cùng một thời điểm. Nhiều BVVT thường xuyên trong tình trạng thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ cho nên khó cử người tới các bệnh viện hạt nhân để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Nhiều BVVT có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho các kỹ thuật đã tiếp nhận còn chưa đầy đủ, chưa đạt tiêu chuẩn yêu cầu để triển khai kỹ thuật chuyển giao. Tại một số BVVT còn gặp nhiều vướng mắc khi thanh toán bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ mới sau khi được các bệnh viện hạt nhân chuyển giao…
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trên cơ sở kết quả đã đạt được, từ nay đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mở rộng các kỹ thuật chuyên khoa để chuyển giao cho các BVVT trên cả nước. Thiết lập hệ thống hội chẩn trực tuyến giữa bệnh viện hạt nhân và BVVT để kịp thời chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, tiếp tục giảm tỷ lệ người bệnh phải chuyển lên tuyến trên… Song, để tiếp tục phát huy những kết quả của Ðề án BVVT một cách bền vững, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần quan tâm hơn nữa việc bố trí nguồn ngân sách, huy động vốn để thực hiện đầu tư phát triển các BVVT; có các chính sách hỗ trợ hợp lý nhằm thu hút nguồn nhân lực y tế có chất lượng và giúp cán bộ đi học để nâng cao trình độ chuyên môn. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện hạt nhân tiếp tục duy trì việc triển khai các gói kỹ thuật đã chuyển giao tại các BVVT; đẩy mạnh chuyển giao các gói kỹ thuật mới theo nhu cầu và điều kiện của từng BVVT. Các BVVT chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực tiếp nhận kỹ thuật, cũng như chủ động tuyển chọn người bệnh, phối hợp bệnh viện hạt nhân tổ chức các đợt triển khai kỹ thuật tại chỗ…