Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở nước ta

NDO - Sáng 31/10, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo, có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Võ Văn Bé, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Thiếu tướng Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân.

Đến dự, có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, ban tuyên giáo một số tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở nước ta ảnh 2

Đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nêu rõ: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, được Đảng, Nhà nước xác định là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau, để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Tại Hội thảo, các ý kiến, tham luận trình bày, với các chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng, đều thống nhất khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận là yêu cầu cấp thiết, phù hợp mục tiêu xây dựng xã hội số hiện nay ở Việt Nam.

Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số, thực trạng chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay, đánh giá các ưu điểm, hạn chế và phân tích nguyên nhân, từ đó làm rõ thêm những vấn đề đặt ra, đề xuất các định hướng, giải pháp, khuyến nghị nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở nước ta ảnh 3

Đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đã và đang trở thành một yêu cầu quan trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sẽ giúp hình thành những "tấm khiên" vững chắc góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững khối đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin đối với Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong nội bộ; ngăn chặn thông tin xấu độc và lan tỏa thông tin chính thống, tích cực đến mọi tầng lớp nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới.

Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, chia sẻ, Học viện Cảnh sát nhân dân đã và đang xây dựng, hoàn chỉnh về mục tiêu, chiến lược đào tạo, hình thức và phương pháp đào tạo, nhất là đối với các môn lý luận chính trị với ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Học viện đã triển khai hệ thống quản lý, điều hành giáo dục, đào tạo qua mạng nội bộ, xây dựng bài giảng điện tử, thực hiện chuyển đổi số ở các khâu tổ chức đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số. Hệ thống phòng máy tính, phòng học chuyên dùng cho các môn lý luận chính trị, thư viện phục vụ nghiên cứu giáo trình, tài liệu, hệ thống phòng đọc các môn lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở nước ta ảnh 4

Đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Các công cụ gắn chuyển đổi số như bảng tương tác thông minh, máy chiếu, máy tính cá nhân, mạng internet... được sử dụng đa dạng trong các hoạt động của giảng viên của Học viện đã góp phần nâng cao chất lượng bài giảng lý luận chính trị thời gian qua. Nhiều vấn đề mới được giảng viên và học viên cập nhật trong bài giảng lý luận chính trị khi triển khai hệ thống bài giảng E-Learning.

Học viện cũng đã xây dựng nền tảng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu số, nguồn tài nguyên học liệu từng bước được số hóa, xây dựng các phòng học chuyên dùng tổ chức các hình thức học tập, trao đổi chuyên môn trực tuyến trong và ngoài Học viện. Với sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và cố gắng của cán bộ, giảng viên, 100% giảng viên giảng dạy lý luận chính trị và sinh viên đã có đủ công cụ, phương tiện để giảng dạy và học tập theo phương pháp hiện đại, thông minh trong bối cảnh chuyển đổi số.

Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Hưởng cho biết, thời gian tới, Học viện tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa tài liệu học tập lý luận chính trị, trang bị các loại tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy nhằm số hóa và kết nối, khai thác nguồn tin điện tử trong khuôn khổ bảo đảm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy các môn lý luận chính trị là một việc làm hết sức cần thiết trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học lý luận chính trị là một xu hướng hiện đại hóa quá trình dạy và học, làm thay đổi cách dạy và cách học, giúp người học tham gia học tập một cách chủ động, tích cực và sáng tạo, tăng cường tính trực quan, góp phần nâng cao chất lượng lĩnh hội và nắm vững kiến thức, phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của người học.

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đã tạo ra một môi trường thông tin đa dạng, đa chiều trên internet, mạng xã hội, hỗ trợ đắc lực cho việc học tập của học viên và hoạt động chuyên môn của giảng viên, từ đó việc tìm kiếm, thu thập, xử lý thông tin phục vụ giảng dạy, nghiên cứu của giảng viên lý luận chính trị có thể thực hiện một cách dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại Học viện Cảnh sát nhân dân trong kỷ nguyên số.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở nước ta ảnh 5

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến, giải pháp nhằm đẩy mạnh hiệu quả chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: Trước hết, cần khẳng định quan điểm: “chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số”.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã xác định giáo dục là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung.

Đối với đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cần cam kết chính trị mạnh mẽ của các cấp, cơ quan liên quan. Xuất phát từ nhận thức đầy đủ lợi ích của chuyển đổi số, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược, lộ trình, kế hoạch, phân bổ nguồn lực để chuyển đổi số kịp thời, đồng bộ. Cơ sở đào tạo lý luận chính gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 4 học viện khu vực, Học viện báo chí và tuyên truyền, các trường chính trị cấp tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng cấp huyện và một số cơ sở khác liên quan phải tiên phong bằng những hành động thiết thực trong chuyển đổi số...