Đẩy mạnh chuyển đổi số công tác hậu cần quân đội

Năm 2022, Tổng cục Hậu cần được Bộ Quốc phòng giao làm điểm về chuyển đổi số công tác hậu cần quân đội. Thời gian qua, Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục Hậu cần đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hậu cần, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Ký kết chương trình phối hợp thực hiện chuyển đổi số giữa Tổng cục Hậu cần và Tập đoàn Viettel, tháng 5/2023.
Ký kết chương trình phối hợp thực hiện chuyển đổi số giữa Tổng cục Hậu cần và Tập đoàn Viettel, tháng 5/2023.

Điểm nổi bật là, Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục Hậu cần đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định: “Thực hiện thiết thực, hiệu quả cải cách hành chính và kế hoạch chuyển đổi số” là một trong ba khâu đột phá trong xây dựng Tổng cục Hậu cần vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”; xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số công tác hậu cần quân đội giai đoạn năm 2022-2025, định hướng đến năm 2030...

Trong năm 2022, ba Cục: Quân y, Doanh trại, Xăng dầu và Bệnh viện Quân y 354 làm trước để rút kinh nghiệm; năm 2023, hai Cục: Quân nhu, Vận tải và hai đơn vị doanh nghiệp: Công ty CP X20, Tổng công ty 28 thực hiện làm điểm chuyển đổi số.

Đại tá Vũ Quang Miên, Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần cho biết: Để thực hiện chuyển đổi số thống nhất, đồng bộ từ cấp chiến lược đến cấp chiến thuật, Tổng cục đã chủ động phối hợp Bộ Tư lệnh 86, Binh chủng Thông tin liên lạc, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số công tác hậu cần quân đội, như: Xây dựng Phòng điều hành chuyển đổi số Sở Chỉ huy Tổng cục và năm cục chuyên ngành: Quân nhu, Quân y, Doanh trại, Xăng dầu, Vận tải;

Xây dựng một số hệ thống, phần mềm như: Hệ thống thông tin tổng hợp, báo cáo phân tích dữ liệu ngành Hậu cần; hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quân nhân; nâng cấp, hoàn thiện, mở rộng phạm vi ứng dụng các phần mềm dùng chung phục vụ công tác doanh trại; phần mềm quản lý cán bộ, nhân viên hậu cần toàn quân; lắp đặt hệ thống camera thông minh tại các kho xăng dầu chiến lược: Kho 186, Phân kho 95 (Kho 190)-Cục Xăng dầu và tích hợp vào phần mềm quản lý, giám sát bảo đảm an ninh, an toàn.

Các dữ liệu của các hệ thống, phần mềm kết nối với phòng điều hành chuyển đổi số các cục theo phạm vị quản lý và liên thông với phòng điều hành chuyển đổi số Tổng cục.

Với ngành xăng dầu quân đội, để quản lý số lượng, chất lượng xăng dầu toàn quân, chỉ cần cập nhật hằng ngày qua mạng truyền số liệu quân sự, Chủ nhiệm Tổng cục tại Phòng điều hành chuyển đổi số của Tổng cục có thể kiểm tra được hiện các kho xăng dầu chiến lược, chiến dịch trữ lượng, số lượng còn bao nhiêu để chỉ đạo kịp thời, không phải chờ cấp dưới báo cáo.

Từ khi thực hiện chuyển đổi số, thông qua hệ thống báo cáo tổng hợp, phân tích dữ liệu, toàn bộ dữ liệu các chuyên ngành được liên thông, kết nối về trung tâm điều hành giúp chỉ huy các cấp nắm chắc tình hình hoạt động của các cơ quan, đơn vị hậu cần theo thời gian thực để kịp thời ra quyết định. Kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp trong Tổng cục.

Cùng với đó, thời gian qua, Tổng cục và các cơ quan, đơn vị đã tập trung triển khai các nhiệm vụ để thúc đẩy chuyển đổi số.

Chỉ huy, cán bộ, nhân viên các cấp, nhất là cán bộ chủ trì đã nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số; các phần mềm dùng chung đã được khai thác sử dụng có hiệu quả, thực chất phục vụ tốt nhiệm vụ; 100% các văn bản, tài liệu không mật đã được gửi, nhận qua phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; hạ tầng số (phần mềm, cơ sở dữ liệu, mạng máy tính) được đầu tư xây dựng, phát triển; các cục chuyên ngành đã ưu tiên, phát huy các nguồn lực để nâng cấp hoàn thiện chức năng và phạm vi ứng dụng các phần mềm mở rộng cơ sở dữ liệu đến đầu mối các cơ quan, đơn vị hậu cần toàn quân.

Đặc biệt, năm 2023, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục, các cục chuyên ngành, bệnh viện, doanh nghiệp tổ chức cuộc thi chuyển đổi số, mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, gắn trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong tổ chức triển khai; kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ trong khai thác sử dụng các phầm mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành đối với chỉ huy, cán bộ, nhân viên, người lao động; kịp thời phát hiện những hạn chế, những vướng mắc, điểm nghẽn để rút kinh nghiệm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong Tổng cục và ngành Hậu cần quân đội.

Nói về “cái được” của cuộc thi nêu trên, Thượng tá Phạm Anh Tùng, Trưởng ban Công nghệ thông tin - Bộ Tham mưu Tổng cục Hậu cần cho biết, Tổng cục Hậu cần là đơn vị đi đầu trong toàn quân tổ chức cuộc thi chuyển đổi số.

Theo đó, toàn bộ hoạt động của cuộc thi được thực hiện trên môi trường mạng, từ bốc thăm cán bộ dự thi, bốc thăm số báo danh, đánh số, viết tự luận, thi trắc nghiệm, chấm thi, quản lý điểm thi, xếp hạng kết quả... đều được thực hiện tự động trên phần mềm, cuộc thi giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí và bảo đảm minh bạch, khách quan hơn; cán bộ, nhân viên tham gia dự thi phấn khởi, hào hứng hơn, đạt mục đích, yêu cầu.

Kết thúc cuộc thi, kết quả xếp hạng các cơ quan, đơn vị là minh chứng cho việc “Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số”; cùng với đó, các hội thi, hội thao trong Tổng cục tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý kết quả thi trên phần mềm.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác chuyển đổi số trong Tổng cục Hậu cần vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đó là: Hạ tầng mạng trong Tổng cục chưa triển khai đồng bộ cho nên khó khăn trong việc khai thác sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu chưa liên thông; các phần mềm chuyên ngành còn độc lập chưa kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với nhau; một số cán bộ, nhân viên ngại thay đổi phong cách làm việc, nguồn nhân lực khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế...

Đại tá Vũ Quang Miên cho biết: Để đẩy mạnh chuyển đổi số công tác hậu cần quân đội, thời gian tới, Tổng cục Hậu cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ đã được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số Bộ Quốc phòng giao, các nhiệm vụ thuộc Đề án chuyển đổi số Bộ Quốc phòng; phát huy những cách làm hay, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng, khai thác hiệu quả các phần mềm dùng chung trong hoạt động hành chính quân sự, giảm tối đa văn bản giấy tại các cơ quan, đơn vị; tập trung nguồn lực để triển khai hạ tầng mạng liên hoàn, vững chắc, có giải pháp an toàn thông tin và bảo mật cơ yếu, xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử Tổng cục Hậu cần phiên bản 2.0; xây dựng mã định danh điện tử trang bị, vật chất hậu cần quản lý tập trung, thống nhất thông tin trên môi trường điện tử…

Cùng với đó, Tổng cục Hậu cần coi trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số cho lãnh đạo, chỉ huy; phối hợp các cơ quan, đơn vị mở các lớp tập huấn, huấn luyện kỹ thuật công nghệ thông tin cho lực lượng làm công tác chuyên trách, kiêm nhiệm công nghệ thông tin, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên các cấp có năng lực toàn diện, thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo trong thực hiện chuyển đổi số, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số, công tác hậu cần quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.