Đẩy mạnh cho vay dịp Tết, hạn chế tín dụng đen

NDO - Những ngày đầu năm 2024 là thời điểm bước vào mùa sản xuất kinh doanh, tiêu dùng sôi động nhất nhằm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là cơ hội để các các ngân hàng thúc đẩy tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, phục vụ đời sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng SHB.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng SHB.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… của người dân dịp cận Tết Nguyên đán, các ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen.

Đẩy mạnh tín dụng cá nhân

Có thể kể đến Ngân hàng Vietcombank, từ ngày 9/1-31/12/2024, ngân hàng này triển khai gói tín dụng 160.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân vay bổ sung vốn lưu động.

Hay tại, đối với Ngân hàng Bản Việt BVBank, từ ngày 8/1, khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích vay mua, sửa chữa nhà đất để ở, tiêu dùng cá nhân hoặc bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh sẽ nhận được mức lãi suất vay ưu đãi.

Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đang triển khai chương trình ưu đãi “Vay ưu đãi-Rồng phát tài” dành cho khách hàng cá nhân với tổng hạn mức 18.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vay sản xuất kinh doanh và vay phục vụ nhu cầu đời sống (mua nhà, ô tô, tiêu dùng…). Khách hàng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 6,79%/năm với tỷ lệ cho vay lên tới 90% tài sản bảo đảm và thời gian đến 25 năm. Chương trình được triển khai từ nay cho đến hết ngày 31/12/2024.

Không chỉ được hưởng lãi suất ưu đãi, khách hàng vay vốn tại SHB còn được hưởng một loạt các ưu đãi khác như: Tặng thẻ tín dụng kèm theo khoản vay gốc lên tới 200 triệu đồng, giảm 2% lãi suất cho khoản vay thấu chi không tài sản bảo đảm phục vụ mục đích bổ sung vốn lưu động, tặng lãi suất tiết kiệm online lên đến 0,3%/năm.

Tương tự, nhiều ngân hàng khác như: Sacombank, VPBank, TPBank, OCB, LPBank, ACB... cũng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để kích thích nhu cầu tín dụng và tiêu dùng dịp cận Tết.

Đại diện lãnh đạo SHB cho biết, các chương trình tín dụng ưu đãi mà ngân hàng đang triển khai dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp không những đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng, mà còn là một giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, hạn chế tình trạng vay nóng, trả góp với lãi suất cao trên thị trường, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 13,5%, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong năm 2023 đạt gần 13,6 triệu tỷ đồng. Để tăng trưởng tín dụng hiệu quả, bên cạnh nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân như triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi cho những khoản vay mới, các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho các khoản vay cũ. Tính đến hết năm 2023, lãi suất cho vay trên thị trường đã giảm được khoảng 2,5% so với giai đoạn cuối năm 2022.

Đơn cử như tại SHB, trong năm 2023, nhà băng này đã nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường quản trị rủi ro, triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng mới và các đợt giảm lãi suất dành cho khách hàng hiện hữu với tổng số tiền giảm lãi lên tới hơn 2.700 tỷ đồng.

Vietcombank cũng đã triển khai giảm lãi suất 0,5%/năm cho toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu bằng VND. Đồng thời, ngân hàng này đã thực hiện 46 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ và thể nhân, 8 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp. Với nhiều đợt giảm lãi suất cho vay trong suốt cả năm 2023, Vietcombank đã giảm gần 5.800 tỷ đồng cho gần 290.000 khách hàng với quy mô dư nợ vay lên tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Trong năm 2023, VietinBank đã triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với dư nợ tín dụng được hỗ trợ lãi suất lên tới 12 nghìn tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm với số tiền hỗ trợ gần 250 tỷ đồng.

Từ thực tiễn diễn biến tín dụng vào nền kinh tế trong năm 2023, có thể thấy, các giải pháp thúc đẩy tín dụng cũng như điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sự nỗ lực của các ngân hàng thương mại trong việc tiết giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận, từ đó giảm lãi suất là một trong những “chìa khóa” chính khiến tín dụng toàn ngành tăng, từ đó kích cầu tăng trưởng kinh tế.

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 khoảng 15% hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Trong năm 2024, để tiếp tục tăng trưởng tín dụng hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô, các ngân hàng thương mại sẽ tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cộng đồng; đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng tập trung cho các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.