Dạy lớp ghép không bắt buộc phải đúng tuần, đúng tiết

NDO - Kế hoạch bài dạy cần được thiết kế đa dạng, linh hoạt phù hợp điều kiện cụ thể của nhà trường và từng nhóm đối tượng, nhóm trình độ của học sinh. Không bắt buộc thực hiện chương trình một cách máy móc, cứng nhắc như dạy đúng tuần, đúng tiết, đúng thời lượng của mỗi tiết học.
0:00 / 0:00
0:00
Một lớp học ghép ba trình độ.
Một lớp học ghép ba trình độ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học lớp ghép cấp tiểu học.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lớp ghép được xác định là lớp học có học sinh ở hai nhóm trình độ (lớp) khác nhau trở lên cùng học và do một giáo viên trực tiếp giảng dạy trong cùng một thời gian. Mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá hai trình độ.

Trường hợp đặc biệt, lớp ghép có thể ghép ba trình độ nhưng không quá 10 học sinh. Nội dung, mức độ, thời lượng các hoạt động giáo dục đối với lớp ghép được thực hiện linh hoạt căn cứ vào điều kiện, đặc điểm cụ thể của lớp ghép, trên cơ sở bảo đảm việc tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định của chương trình.

Trong tổ chức các hoạt động dạy học lớp ghép, giáo viên cần tích cực đổi mới, vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học, tùy vào điều kiện thực tế của lớp ghép mà giáo viên cần chú trọng thực hiện các phương pháp, kỹ thuật dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh. Kế hoạch bài dạy cần được thiết kế đa dạng, linh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và từng nhóm đối tượng, nhóm trình độ của học sinh. Không bắt buộc thực hiện chương trình một cách máy móc, cứng nhắc như dạy đúng tuần, đúng tiết, đúng thời lượng của mỗi tiết học,…

Đối với môn Tiếng Việt, môn Toán: thực hiện dạy học đúng, đủ nội dung chương trình theo quy định cho từng nhóm trình độ, trong đó đặc biệt quan tâm hoạt động củng cố, tăng cường tiếng Việt đối với học sinh trình độ lớp 1, lớp 2.

Đối với các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc khác (ngoài môn Tiếng Việt, môn Toán), cần tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, rà soát nội dung chương trình môn học, sách giáo khoa để xác định nội dung trọng tâm và thiết kế các chủ đề dạy học theo hướng tích hợp nội môn (thiết kế các chủ đề dạy học trong cùng môn học) hoặc liên môn (xây dựng các chủ đề dạy học có nội dung gần nhau của các môn học).

Khi thiết kế chủ đề dạy học tích hợp cần lựa chọn nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục của nhóm trình độ thấp hơn làm cơ sở, của nhóm trình độ cao được xem là phần mở rộng.

Quá trình tổ chức dạy học, các trường, giáo viên cần xác định được yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và yêu cầu về phẩm chất, năng lực theo từng trình độ tương ứng để bảo đảm tổ chức dạy học đạt chất lượng theo quy định.

Trong quá trình đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng nhận xét, giáo viên cần coi trọng động viên sự tiến bộ của học sinh, khơi dậy hứng thú học tập để tất cả học sinh đều được học tập, được đánh giá và có thể được xác nhận chính xác, khách quan về hoàn thành chương trình lớp học theo trình độ tương ứng…