Gỡ khó trong sắp xếp điểm trường, lớp ghép ở các tỉnh miền núi

Nhiều năm qua, các tỉnh miền núi đã nỗ lực rà soát và sắp xếp lại các điểm trường, lớp học ghép cho phù hợp địa bàn, bảo đảm sử dụng hiệu quả hơn cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tại các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang vẫn còn nhiều điểm trường lẻ, cách xa trường chính, gây trở ngại lớn trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Cô và trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) học thêu đồ thổ cẩm truyền thống.
Cô và trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) học thêu đồ thổ cẩm truyền thống.

Địa hình bị chia cắt, các điểm dân cư cách xa nhau, đi lại khó khăn nên trước đây, để phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, các điểm trường, lớp ghép được hình thành. Nhưng nay, mô hình này bộc lộ nhiều bất cập, cơ sở vật chất không được chú trọng đầu tư, việc quản lý đội ngũ giáo viên khó khăn, nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học.

Vẫn còn nhiều điểm trường, lớp ghép

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang Vũ Đình Hưng cho biết, từ năm 2017 đến hết năm học 2020-2021, tỉnh đã sắp xếp giảm được 309 điểm trường, trong đó, mầm non 196 điểm, tiểu học 112 điểm, THCS một điểm. Nhờ việc sắp xếp lại đã giúp tập trung cơ sở vật chất, giáo viên để tổ chức các hoạt động dạy học hiệu quả hơn. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 812 điểm trường. Đây là một trong những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là việc triển khai dạy môn tin học, ngoại ngữ đối với lớp 3 năm học 2022-2023.

Thực tế tại nhiều huyện vẫn có nhiều điểm trường ở khá xa trường chính và đi lại rất khó khăn. Như huyện vùng cao Na Hang hiện còn 114 điểm trường ở các thôn, có những điểm trường cách trung tâm xã hơn 10 km, như điểm thôn Nà Chao (xã Năng Khả), điểm Trung Phìn, Khuổi Phìn (xã Sinh Long); huyện Lâm Bình có Tiên Tốc, Tân Hoa (xã Bình An)... Đây cũng là điểm chung của điểm trường, lớp ghép ở các tỉnh miền núi.

Trước năm 2016, tỉnh Hà Giang có 1.183 điểm trường tiểu học ở những thôn xa trung tâm. Hầu hết các điểm trường lẻ đều thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Do đó, học sinh thiệt thòi vì không được học hai buổi/ngày, ít được tham gia hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, không được học tin học, tiếng Anh do thiếu giáo viên bộ môn và cơ sở vật chất. Từ năm 2016 đến nay, Hà Giang đã huy động gần 500 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường chính.

Gỡ khó trong sắp xếp điểm trường, lớp ghép ở các tỉnh miền núi ảnh 1

Điểm trường thôn Cả, Trường mầm non Công Đa (Yên Sơn, Tuyên Quang) được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng dạy học.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, tỉnh thống nhất nơi nào thuận lợi làm trước, khó khăn làm sau; những nơi bảo đảm được chỗ ăn, chỗ ở, điều kiện sinh hoạt cho học sinh mới chuyển học sinh từ điểm lẻ về trường chính. Tùy theo điều kiện từng địa phương để xem xét độ tuổi học sinh chuyển về trường chính cho phù hợp. Với cách làm như vậy, đến nay Hà Giang giảm 366 điểm trường thôn bản, nhưng hiện vẫn còn 817 điểm trường.

Tỉnh Yên Bái cũng đã giảm 478 điểm trường, giảm 90 lớp học. Về trường chính, học sinh ngoài việc học văn hóa còn được quan tâm đến đời sống văn hóa của dân tộc mình.

Nhiều trường đã tổ chức ngày hội và giao lưu văn hóa dân tộc cho học sinh; tổ chức cho các em giao lưu, tham quan, tìm hiểu bản sắc văn hóa của các dân tộc khác như: Lễ cấp sắc của người Dao đỏ, lễ hội lồng tồng của người Tày, học các điệu múa khèn của người H’Mông...

Học sinh nữ dân tộc, nhất là các trường phổ thông dân tộc bán trú được tham gia các buổi học thêu, may trang phục dân tộc, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giảm nạn tảo hôn.

Tháo gỡ khó trong sắp xếp điểm trường, lớp ghép

Điều thuận lợi dễ nhận thấy là sau khi thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, học sinh được tập trung học tập, sinh hoạt, thuận lợi cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Số học sinh được học bán trú và hưởng chính sách tăng, tạo điều kiện tốt hơn cho các em đến trường.

Việc sắp xếp lại cũng góp phần thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn, gây lãng phí về biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tỉnh Yên Bái đã giảm 130 trường và tăng học sinh/lớp, giúp giảm nhu cầu 1.985 người làm việc (277 cán bộ quản lý, 1.327 giáo viên, 381 nhân viên); tỉnh Hà Giang đã giảm khoảng 500 giáo viên tiểu học do sắp xếp điểm trường, lớp ghép; tỉnh Tuyên Quang giảm được 10 biên chế lãnh đạo, 11 nhân viên và 121 giáo viên. Các điểm trường sau khi sắp xếp được bàn giao đất cho chính quyền để sử dụng mục đích khác.

Học sinh khi chuyển từ điểm lẻ về trường chính hoặc cụm điểm trường được học tập trong môi trường có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tốt hơn. Chất lượng học tập của học sinh được nâng lên do các em được học hai buổi/ngày, được rèn luyện kỹ năng sống, tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ, trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Ở Tuyên Quang năm học 2021-2022, học sinh chuyển từ điểm trường về học trường chính đi học chuyên cần đạt 100% và không còn tình trạng bỏ học.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn cần được sớm khắc phục. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) Lương Thị Xuyến đánh giá, đến nay sau sắp xếp vẫn còn một số trường liên cấp có quy mô lớn, cơ sở vật chất độc lập giữa các cấp học và không liền kề nhau, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Hệ thống kho bảo quản gạo, thực phẩm ở một số trường nội trú còn dùng phòng tạm, do đó ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

Việc quản lý, chăm sóc học sinh đối với một số trường có học sinh nhỏ (từ lớp 1 đến lớp 3) gặp khó khăn, do các cháu chưa biết nhiều tiếng phổ thông, ngại giao tiếp, sinh hoạt chưa vào nền nếp. Tình trạng mất cân đối bộ môn ở bậc tiểu học, thiếu giáo viên nhóm 2 (tin học, ngoại ngữ) cần được bổ sung kịp thời.

Một số trường phổ thông dân tộc bán trú có hơn 650 học sinh bán trú, kinh phí thuê phục vụ nấu ăn còn thiếu, do vậy phải bố trí giáo viên, nhân viên khác hỗ trợ việc nấu ăn cho học sinh bán trú.

Năm học 2021-2022, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) có 187 học sinh bán trú, nhưng ăn ở trong một ngôi nhà sàn có diện tích chỉ 180m2. Tầng 1 làm nhà bếp và phòng ăn; tầng hai là nơi ở, rất chật hẹp, lại không có khuôn viên nên bí bách. Đáng chú ý, khi chuyển từ xã vùng 2, vùng 3 về vùng 1 khi đạt chuẩn nông thôn mới, học sinh không còn được hưởng chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP.

Do đó, một số học sinh ở các xã về đích nông thôn mới, đã phải chuyển từ trường chính về học lại tại điểm trường do gia đình không có điều kiện để đóng tiền ăn bán trú. Tại nhiều trường chính, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng tối thiểu nhu cầu học tập và sinh hoạt, hầu hết các trường còn thiếu các công trình như nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà ăn, nước sinh hoạt, phòng lưu trú... Diện tích nhiều trường nhỏ hẹp, không còn quỹ đất để mở rộng các công trình phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh.

Việc dạy ngoại ngữ và tin học cấp tiểu học cũng đang là vấn đề khó, khi số lượng giáo viên hiện đang trong tình trạng thiếu trầm trọng.

Tại Tuyên Quang có 238 giáo viên đang dạy tiếng Anh cấp tiểu học, năm học này, áp dụng dạy học bắt buộc đối với môn tiếng Anh lớp 3 thì thiếu 46 giáo viên; nếu tính cả số giáo viên môn tiếng Anh dạy lớp 4, 5 theo chương trình tiếng Anh thí điểm thì toàn tỉnh còn thiếu 118 giáo viên.

Môn tin học còn khó khăn hơn, năm học 2021-2022, tỉnh chỉ có 5.749 học sinh được học môn tin học, đạt 6,7%. Đến nay, tỉnh mới có 22 giáo viên dạy môn tin học cấp tiểu học (phần lớn giáo viên này đều thuộc biên chế các trường liên cấp tiểu học-trung học cơ sở).

Trong năm học này, áp dụng dạy học bắt buộc đối với môn tin học thì các trường mới tự bố trí được 30 giáo viên, số không thể bố trí được là 119. Đây là những khó khăn cần sớm được tháo gỡ, tạo cơ sở cho việc “dạy tốt, học tốt” ở các tỉnh miền núi và tiến kịp vùng đô thị.