Ðây lán Nà Lừa

Khách du lịch tham quan lán
Nà Lừa (Sơn Dương, Tuyên Quang).
Khách du lịch tham quan lán Nà Lừa (Sơn Dương, Tuyên Quang).

Những ngày Tháng Năm này, chúng tôi về Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Dọc hai bên dòng sông Phó Ðáy là những bãi bồi phù sa mượt mà ngô, lúa mang theo hơi thở nồng nàn của núi rừng, sông suối - địa danh đã hai lần được Ðảng và Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng-Thủ đô kháng chiến. Cảnh sắc núi rừng hôm nay đã đổi thay nhiều so với những ngày tháng kháng chiến hào hùng, nhưng vẫn bền chặt nghĩa tình với Ðảng, với cách mạng. Còn đây lán Nà Lừa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào - dấu ấn của một thời lập nước.

Mùa này, nắng như rực rỡ hơn trên các nẻo đường về chiến khu cách mạng. Có lẽ  vì thế mà khiến hàng duối già ngay ngã ba thôn Bòng, thôn Cả, thôn Thia như trầm mặc hơn, quyến rũ hơn, thôi thúc, cuốn hút du khách xa gần về với Tân Trào, với Tuyên Quang, vùng quê cách mạng.

Lịch sử ghi lại rằng, trước tình hình mới, để có điều kiện kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng đang dâng cao trong cả nước, từ đầu tháng 5-1945, Bác Hồ cho chuyển "đại bản doanh" của cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang), nơi có phong trào quần chúng mạnh mẽ, đã thiết lập được chính quyền cách mạng, lại  thuận tiện  liên lạc miền ngược, miền xuôi và với nước ngoài.

Thế nên, những ngày tháng sục sôi khí thế Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Tân Trào đã một lòng bảo vệ bí mật và an toàn Bác Hồ và cán bộ cách mạng. Rồi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, một lần nữa Tân Trào lại được Bác Hồ và T.Ư Ðảng, Chính phủ chọn làm trung tâm căn cứ địa cách mạng-Thủ đô kháng chiến.

Về Tân Trào, những ngày đầu Bác Hồ ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh, rồi khoảng một tuần sau thì chuyển lên căn lán nhỏ mới dựng ở rừng Nà Lừa, nằm dưới chân dãy núi Hồng. Theo nghĩa tiếng Tày, khu rừng này có tên là Nà Nưa-nghĩa là ruộng trên, nhưng nhiều người lại gọi là Nà Lừa, lâu rồi thành quen, và nay cái tên Nà Lừa đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người.

Chúng tôi đứng lặng ngắm nhìn căn lán nhỏ. Mái lá, vách nứa đơn sơ nhưng là một chứng tích lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ tháng 5 đến  8-1945. Anh Ngô Quốc Lập, Giám đốc Bảo tàng ATK Tân Trào cho biết, lán ngày xưa được làm đơn  sơ, hai gian, phên nứa, cột một đầu chôn xuống đất, đầu kia là cây thành ngạnh, cây nóc được gác lên chạc cây cho chắc. Dui, mè bằng nứa, mái lợp lá.

Ðầu lán có những tảng đá nhô lên, Bác thường ra đây ngồi làm việc cho thoáng đãng. Chính vì đặc điểm này nên sau khi Bác mất, mới xác định được vị trí dựng lán. Cây thành ngạnh xưa cũng đã chết, nhưng từ khi phục dựng lại lán thì từ gốc cũ của nó lại đâm chồi tái sinh, giờ đã trở thành cây to ở ngay đầu lán.

Trong căn lán nhỏ đơn sơ ấy, Bác Hồ đã quyết định việc triệu tập Hội nghị cán bộ Tổng bộ Việt Minh vào ngày 4-6-1945, quyết định thống nhất chiến khu thành Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng. Cũng tại đây, giữa lúc công việc khẩn cấp cho Ðại hội quốc dân, Bác bị mệt nặng, tưởng không qua khỏi, Bác đã dặn lại: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Dù rất yếu, nhưng hằng ngày Bác vẫn bàn bạc, đánh giá nhận định tình hình trong nước và quốc tế để có những quyết sách lớn cho cách mạng Việt Nam như triệu tập Hội nghị  toàn quốc của Ðảng, chỉ đạo Quốc dân đại hội. Bên lán, chúng tôi được nghe câu chuyện thật xúc động. Ðó là khi thấy Bác quá mệt mà chữa nhiều loại thuốc nhưng không khỏi, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã giao cho một cán bộ người địa phương đi tìm được một ông lang người Mán.

Sau khi xem bệnh, ông lang  vào rừng đào được một củ cây thuốc về nướng cho vào cháo để Bác ăn.  Về sau, khi Bác đã khỏi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho người đi tìm cụ lang già để cảm ơn nhưng tìm mãi cũng không thấy.  Hằng năm, lán đều được tu bổ, chỉnh trang để giữ nguyên như những ngày Bác ở, để đón đồng bào cả nước về thăm.

Rời lán Nà Lừa, chúng tôi về đình Tân Trào. Tại đây, 62 năm trước, từ ngày 16 đến 17-8-1945, Quốc dân đại hội-tiền thân của Quốc hội Việt Nam đã họp, quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Quyết định Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 20-5 này, đình Tân Trào lại được chọn làm nơi bỏ phiếu của tổ bầu cử số 1 của xã Tân Trào để nhân dân bầu đại biểu Quốc hội khóa XII và được cầu truyền hình trực tiếp trong ngày hội lớn của dân tộc.  

Tân Trào nay đã đổi thay nhiều. Vùng quê giàu truyền thống cách mạng đang vững bước trên đường phát triển. Bí thư Ðảng ủy xã Phan Hiền, Chủ tịch UBND xã Viên Tiến Thăng cho biết, Tân Trào đất rộng (3.512 ha), nhưng đất canh tác chỉ có 147 ha (đất lúa, ngô). Vì vậy trong nhiệm kỳ 2005-2010, đảng bộ xã đã đề ra mục tiêu chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, tập trung thâm canh để nâng cao năng suất và thu nhập trên từng diện tích, trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi. Ðồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế tập trung phát triển du lịch - dịch vụ, hướng dẫn nhân dân khai thác tiềm năng thế mạnh du lịch của địa phương để vừa bảo đảm phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vừa mang lại nguồn thu nhập cho nhân dân.

Thực hiện chủ trương này, đến nay xã đã hoàn thành việc quy hoạch  chợ trung tâm với quy mô hơn 1.000 m2, đủ chỗ cho hơn một trăm hộ kinh doanh buôn bán; Quy hoạch và phục hồi bảo tồn di tích lịch sử cách mạng làng Tân Lập gồm 13 ngôi nhà sàn cổ của dân tộc Tày thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Phấn đấu đến năm 2010 thu nhập từ du lịch, dịch vụ chiếm 1/3 tỷ trọng kinh tế.

Những ngày này, người dân Tân Trào đang một lòng thành kính hướng về kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bác Hồ đã đi xa, nhưng hình bóng Bác vẫn hiển hiện trong lòng mỗi người dân Tân Trào.

Kỷ niệm Ngày sinh của Bác năm nay, người dân Tuyên Quang nói chung và Tân Trào nói riêng đang tập trung bằng những việc làm cụ thể, đó là làm tốt công tác chuẩn bị và tích cực tham gia  bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII; triển khai và thực hiện thật tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp.

Ðứng trên cầu Nà Lừa - cây cầu nối liền khu di tích đình Tân Trào, cây đa Tân Trào với lán Nà Lừa, đón gió mát từ hồ Nà Lừa thổi tới, chúng tôi ai cũng rưng rưng xúc động khi được biết, năm 1961, Bác Hồ trở lại thăm Tân Trào, thăm Nà Lừa. Khi về Bác bảo, phải đắp một con đập ngăn dòng suối để lấy nước tưới cho ruộng, làm cây cầu cho nhân dân qua lại an toàn. Bác bận trăm công nghìn việc mà vẫn luôn nghĩ tới  cuộc sống của nhân dân.

Có thể bạn quan tâm