Dạy học tích hợp có giảm tải hay tạo thêm áp lực?

NDO -

NDĐT- Trong buổi chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên sáng 30-10 tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, liên quan đến lĩnh vực giáo dục, các đại biểu đã chất vấn về phương án dạy tích hợp và dự án Đại học quốc gia Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) chất vấn.
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) chất vấn.

Tại kỳ họp Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV, hoạt động chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề như thông lệ mà các vị đại biểu Quốc hội sẽ trực tiếp chất vấn, nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực nào thì trước tiên trách nhiệm trả lời sẽ do các bộ trưởng, trưởng ngành đó chịu trách nhiệm về lĩnh vực trả lời. Những vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ thì các Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) đặt vấn đề: Hai dự án là Đại học Quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được triển khai 20 năm trong sự mong đợi của cử tri huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc về hai dự án này nhưng đến nay kết quả triển khai vẫn đạt kết quả rất hạn chế. Đại biểu đề nghị Chính phủ cho biết các giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Làm rõ băn khoăn của đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định chủ trương quy hoạch và xây dựng Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, khu Đại học Quốc gia Hà Nội và thêm một khu nữa là khu Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam là một chủ trương đã có từ hơn 20 năm. Chính phủ thực hiện theo các nghị quyết của Đảng, các chủ trương kết luận của Bộ Chính trị và khẳng định việc quy hoạch, xây dựng cả cụm ba khu đó ở khu vực Hà Nội là rất quan trọng và hiệu quả về lâu dài.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, sau một thời gian gần 20 năm được đầu tư nhỏ giọt, giải phóng mặt bằng thì từ năm 2014, 2015 đặc biệt quyết liệt. Chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt UBND TP Hà Nội đã tập trung giải quyết và đến nay chỉ còn 200 ha chưa giải phóng mặt bằng được trên tổng số trên 1.500 ha.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện chúng ta đã tìm được nguồn vốn, từ vốn tài trợ ODA của Nhật Bản, khoảng 200 triệu USD để xây dựng hạ tầng của khu này. Đến giờ phút này gồm có ba khu chức năng tạm gọi: Khu công nghiệp và tất nhiên có công nghệ cao; Khu nghiên cứu và phát triển; Khu đào tạo.

Khu công nghiệp đến giờ phút này đã rất tấp nập. Hiện nay sau hơn hai năm chúng ta đã thu hút được 66 dự án, với tổng đầu tư khoảng trên 3 tỷ USD là những dự án công nghệ, sản xuất công nghiệp nhưng công nghệ rất cao và có tác dụng lan tỏa công nghệ. Khu nghiên cứu triển khai đang tích cực xây dựng. Chúng ta có nghị định, các cơ chế và chuẩn bị xúc tiến đầu tư. Bây giờ là khâu phải lựa chọn vì không tham về số lượng mà đây phải là những khu thực sự phát kiến ra và lan tỏa được các giá trị công nghệ mới và sáng tạo. Còn về khu đào tạo, có đại học FPT, một số trường đại học như Đại học Việt Pháp đang chuẩn bị rất tích cực. “Có thể nói rằng, khu này hiện nay đã bước qua được giai đoạn khó khăn nhất và tiến tới tương lai sẽ làm tốt” – Phó Thủ tướng thông tin.

Khu Đại học Quốc gia, chúng ta đã giải phóng mặt bằng cơ bản nhưng thiếu nhất là thiếu vốn, trong suốt thời gian vừa qua mỗi năm nhỏ giọt được vài chục tỷ, trong khi nhu cầu vốn để xây dựng một trường đại học ước tính là phải 2 tỷ đôla, trong đó phần vốn ngân sách nhà nước để đầu tư cho các khu thiết yếu của đại học để làm cơ sở thu hút đầu tư thì phải tính được hàng chục nghìn tỷ đồng và hiện nay đang rất khó khăn về vốn. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tìm nguồn vốn để tập trung đầu tư.

Cũng liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, đại biểu Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) đặt câu hỏi liệu phương án tích hợp này có giảm tải lượng kiến thức cho học sinh hay lại tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh? Đại biểu cho biết cử tri cả nước còn rất băn khoăn lo lắng đến việc xây dựng hai môn tích hợp trong chương trình sách giáo khoa tới đây. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT làm rõ về phương án tích hợp năm môn. Đại biểu đặt ra một loạt các câu hỏi: Phương pháp giảng dạy tích hợp giữa các môn và được biên soạn mới hay chỉ là phương án lồng ghép cơ học kiến thức của 5 môn thành hai cuốn sách giáo khoa? Liệu phương án tích hợp này có giảm tải lượng kiến thức cho học sinh hay không hay lại tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh? Nếu là phương án tích hợp một thầy dạy ba môn thì chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp đã được bộ triển khai như thế nào, chất lượng ra sao? Ngược lại, nếu là phương án ba thầy dạy một môn tích hợp thì Bộ trưởng đã tính đến những bất cập khi triển khai tại các trường hay chưa? Thí dụ như bố trí giáo viên, việc vào điểm, cho điểm, ra đề, chấm bài?

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Ánh về vấn đề các môn học tích hợp, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều yêu cầu trong chương trình giáo dục phổ thông các môn học tích hợp cao ở cấp dưới sau đó phân hóa dần ở các cấp học trên. Đây cũng là xu hướng trên thế giới. Tích hợp có nhiều mức, trong đó việc tích hợp các môn khoa học gần nhau thành một môn là bước tích hợp cao nhất.

Bộ trưởng cho biết, đối với học sinh tiểu học thì không xa lạ, đối với học sinh THCS thì có đặt ra vấn đề về giáo viên. Tuy nhiên, hiện giáo viên chuyên sâu môn nào sẽ dạy môn đó và thời gian áp dụng còn khoảng 6-7 năm nữa, đủ để bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên. Các giáo viên có điều kiện, nhu cầu có thể học thêm các chuyên đề của môn khác để có thể dạy hai môn, chúng tôi cũng có giải pháp hướng tới đào tạo giáo viên có thể dạy ba môn. Đây cũng là kinh nghiệm, xu hướng của các nước trên thế giới.

Đối với việc giảm tải, Bộ trưởng chỉ ra giảm tải không chỉ ở cấu trúc môn học mà còn do cấu trúc chương trình và phương pháp học. Bộ GD-ĐT đã tính tới nhiều phương án triển khai và nhận định rằng các phương án này có tính khả thi cao.