Đưa vào sử dụng từ tháng 5 đến nay, nhà vệ sinh công cộng nằm trên khu đất số 8-12 Lê Duẩn, Quận 1 là "điểm đến" của rất nhiều du khách khi tham quan khu vực trung tâm thành phố, người dùng hoàn toàn sử dụng miễn phí. Nhà vệ sinh công cộng này được thiết kế với các tính năng thông minh, nhận diện khách bằng cảm biến để tự động đóng, mở, kết hợp quầy ki-ốt bán hàng.
Các thiết bị bên trong cũng hoàn toàn tự động, gồm bồn cầu, hệ thống nước rửa tay, sấy khô... đã tạo ra hình ảnh nhà vệ sinh công cộng mới mẻ, hiện đại. Tương tự, tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, nhà vệ sinh công cộng có thiết kế hiện đại, phục vụ hoàn toàn miễn phí cho người dân và du khách cũng đi vào hoạt động cùng thời điểm nêu trên.
Đây là mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng được thành phố chấp thuận chủ trương, giao tạm đất công cho nhà đầu tư xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu cần thiết về nhà vệ sinh công cộng của hơn 10 triệu người dân, chưa kể khách vãng lai, du khách.
Trước thực trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng ở khu vực trung tâm thành phố, vừa qua, Quận 1 đã vận động được gần 100 các cơ sở kinh doanh, cửa hàng, quán ăn, nhà hàng, khách sạn... trên địa bàn quận hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh.
Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị Quận 1 cho biết: "Đây là tín hiệu vui, thể hiện tinh thần xây dựng văn minh đô thị và chung tay "chia sẻ" nhà vệ sinh công cộng của các hộ kinh doanh, vì nhu cầu vệ sinh là nhu cầu "tế nhị" nhưng lại rất quan trọng với mọi người".
Theo Ủy ban nhân dân Quận 1, hiện quận còn ba khu đất cũng chuẩn bị được nhà đầu tư lắp đặt các nhà vệ sinh công cộng gồm: Thương xá Tax cũ (số 135 Nguyễn Huệ), khu mở rộng khách sạn Majestic số 2-4-6 Nguyễn Huệ và số 8 Nguyễn Trung Trực. Các nhà vệ sinh sẽ được dỡ bỏ, di dời khi thành phố triển khai dự án trên những khu đất này. Trước đó, thời điểm năm 2013, Sacombank cũng đã tiên phong xây dựng nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ người dân và khách vãng lai, đặt chủ yếu tại các công viên lớn của thành phố như Công viên 23/9, Tao Đàn, Lê Văn Tám. Thời điểm này, thành phố cũng thiếu trầm trọng nhà vệ sinh công cộng cho nên mô hình này được người dân đồng tình ủng hộ. Thống kê mới nhất từ các quận, huyện cho thấy, thành phố có 255 nhà vệ sinh công cộng nằm ở khu vực trung tâm. Thực trạng vừa thiếu, vừa xuống cấp của các nhà vệ sinh công cộng đã trở thành nỗi "ám ảnh" của người dân thành phố nhiều năm qua, cũng là "điểm trừ" trong mắt của du khách trong và ngoài nước.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố hiện có 866 nhà vệ sinh công cộng được xây dựng, lắp đặt tại các khu vực/địa điểm công cộng như: công viên, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, trạm chờ xe buýt, vỉa hè, quảng trường... cũng như lắp đặt tại các cơ sở y tế, trường học để phục vụ nhu cầu vệ sinh của người dân, khách du lịch. Tuy nhiên, công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa của các đơn vị quản lý cũng như địa phương chưa được chú trọng, dẫn đến thiếu hụt nhà vệ sinh công cộng ở một số nơi tập trung đông người hoặc tình trạng nhà vệ sinh công cộng xuống cấp mà không được quan tâm sửa chữa kịp thời.
Hiện nay cũng có nhiều tổ chức, nhà đầu tư quan tâm, hiến kế và đề xuất mong muốn tham gia cùng chính quyền thành phố trong việc cải thiện chất lượng, số lượng nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố theo hình thức xã hội hóa. Nhà đầu tư chịu kinh phí đầu tư ban đầu, chịu trách nhiệm vận hành các nhà vệ sinh công cộng để phục vụ người dân, khách du lịch khi có nhu cầu sử dụng (miễn phí hoặc có thu phí) và thu hồi vốn đầu tư, chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thông qua hình thức thu phí dịch vụ sử dụng nhà vệ sinh công cộng hoặc khai thác quảng cáo trên thân nhà vệ sinh công cộng.
Một ý tưởng mới về đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng vừa được Công ty Tư vấn đầu tư quốc tế Sơn Hải trình các cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tư vấn đầu tư quốc tế Sơn Hải cho biết: Hiện công ty đang thực hiện dự án: "Thoải mái như ở nhà-Comfort as home" với hình thức triển khai là dán nhãn nhận biết của dự án tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đồng ý cho người dân, khách du lịch sử dụng nhà vệ sinh công cộng của cơ sở và tích hợp thông tin, vị trí của các cơ sở đồng ý này vào phần mềm ứng dụng "Thoải mái như ở nhà" để người dân, khách du lịch dễ tìm kiếm vị trí, khoảng cách gần nhất khi có nhu cầu sử dụng. Ngoài ra trong năm 2023, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam sẽ cùng các đơn vị xây dựng 200 công trình nhà vệ sinh công cộng và đến năm 2025 sẽ xây dựng xong khoảng 500 nhà vệ sinh, qua đó nhân rộng hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên toàn thành phố. Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, toàn thành phố có năm bến xe khách liên tỉnh đang quản lý, khai thác tổng cộng 100 nhà vệ sinh công cộng hiện hữu với tổng diện tích 1.782 m2. Những nhà vệ sinh này phục vụ bình quân hằng ngày hơn 44.000 lượt khách. Sở cũng đang lên kế hoạch xây mới 29 nhà vệ sinh công cộng tại các cảng, bến thủy nội địa, bến phà, bến xe, bãi đỗ xe, trạm trung chuyển với tổng vốn đầu tư khoảng 5,6 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết: Sở vừa trình Ủy ban nhân dân thành phố Đề án Cải thiện số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng. Trong đó, kiến nghị thành phố có hướng dẫn quy cách nhà vệ sinh công cộng để các quận, huyện, thành phố Thủ Đức khảo sát và thuận tiện trong việc xây dựng mới nhà vệ sinh công cộng; có hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục đầu tư, hình thức đầu tư dự án, hình thức thu hồi vốn, pháp lý về xây dựng nhà vệ sinh công cộng; đồng thời có cơ chế riêng đối với việc giao, thuê đất để thu hút các đơn vị xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh công cộng cũng như các hoạt động thu hồi vốn của nhà đầu tư.