Đầu tư nguồn lực phát triển thiết chế văn hóa

Để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, vai trò của các thiết chế văn hóa, đang ngày càng trở nên hết sức quan trọng, góp phần tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ngày một tốt hơn. Thực tiễn cho thấy việc đầu tư các nguồn lực để phát triển các thiết chế văn hóa đang là một yêu cầu cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang (Quảng Nam) biểu diễn điệu múa truyền thống tại sân sinh hoạt cộng đồng của làng. (Ảnh THÀNH NAM)
Đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang (Quảng Nam) biểu diễn điệu múa truyền thống tại sân sinh hoạt cộng đồng của làng. (Ảnh THÀNH NAM)

Thiết chế văn hóa là khái niệm dùng để chỉ các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa được Nhà nước, cộng đồng xã hội lập ra theo quy định của luật pháp, quy chế của ngành để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân. Thiết chế văn hóa không chỉ bao gồm cơ sở vật chất mà còn hội tụ các yếu tố như nhân sự điều hành, tổ chức, kinh phí và quy chế hoạt động. Sự vận hành của các thiết chế văn hóa giúp các giá trị văn hóa được trao truyền, tiếp nối, lan tỏa, nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân được bảo đảm.

“Gương mặt văn hóa” của một cộng đồng, quốc gia, dân tộc dễ dàng được nhận diện từ hệ thống các thiết chế văn hóa như: Sân vận động, nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, trung tâm biểu diễn nghệ thuật,… Thiết chế văn hóa chứa đựng những giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử, đồng thời phản ánh trình độ phát triển văn hóa cộng đồng, dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử.

Ở một góc độ khác, các thiết chế văn hóa là cầu nối để phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc bởi đây là những nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt cộng đồng hoặc tổ chức các sự kiện có ý nghĩa của từng địa phương. Sức hấp dẫn của các sự kiện hay sản phẩm văn hóa thu hút nhiều người dân tham gia và từ đây, mỗi cá nhân thêm yêu và tự hào về văn hóa của quê hương, đất nước để rồi nếu có cơ hội thích hợp sẽ trở thành “sứ giả” đưa văn hóa dân tộc ra thế giới.

Từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. Từ năm 1998, trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta đã xác định rõ việc cần nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa hiện có. Tại Đại hội XIII của Đảng đã đặt mục tiêu xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/ 2021 đã chỉ đạo vấn đề xây dựng các thiết chế văn hóa tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp văn hóa và hội nhập quốc tế. Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 của Chính phủ đề ra 10 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu về thiết chế văn hóa xác định đến năm 2030 phấn đấu 100% số đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện có trung tâm văn hóa-thể thao, 100% số đơn vị hành chính cấp xã có nhà văn hóa.

Trong nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống thiết chế văn hóa tương đối toàn diện, đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở, từ thành thị tới nông thôn, miền núi và hải đảo. Các thư viện, bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, nhà thi đấu... được đầu tư xây dựng, sửa chữa ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Một số cơ sở đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Nhà nước, ngành văn hóa ưu tiên dành ngân sách nhiều hơn để xây dựng hạ tầng văn hóa. Tính đến đầu năm 2024, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, bao gồm các trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa nghệ thuật, trung tâm văn hóa điện ảnh; 98% số quận, huyện có trung tâm văn hóa-thể thao hoặc nhà văn hóa, 77% số xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao và 76% số làng, thôn, bản, ấp có nhà văn hóa.

Đây là hệ thống hạ tầng văn hóa mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong sinh hoạt, sáng tạo, thực hành và hưởng thụ văn hóa, nhờ đó các giá trị văn hóa dân tộc được lan tỏa, phát huy sức mạnh và vẻ đẹp vào trong đời sống. Không những vậy, hệ thống thiết chế văn hóa còn đóng một vai trò mang tính nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị-xã hội ở địa phương. Những cơ sở vật chất này là công cụ để lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương phổ biến quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân.

Nhờ những kết nối thường xuyên, kịp thời này nhiều bất cập, vướng mắc đã nhanh chóng được khơi thông, người dân được cung cấp thông tin về quá trình xây dựng, phát triển đất nước, kịp thời nhận diện âm mưu chống phá của những phần tử thù địch, yên tâm lao động sản xuất, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 đang được hoàn thiện. Hiện đã có 42 tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã quy hoạch đất dành cho công tác xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Đây là những nền tảng quan trọng để văn hóa cất cánh, thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong việc nuôi dưỡng đời sống tinh thần của người dân cũng như làm giàu cho nền kinh tế đất nước.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, nhưng trên thực tế, hệ thống thiết chế văn hóa hiện vẫn còn không ít bất cập. Rõ nét nhất là sự thiếu đồng bộ, quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Trong khi một số thiết chế văn hóa được đầu tư tốn kém nhưng lại hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh chóng, thậm chí bỏ hoang thì một số thiết chế vận hành tốt lại được xây dựng trên quỹ đất ít ỏi, trang thiết bị lạc hậu khó có thể tổ chức các sự kiện lớn phục vụ nhân dân.

Ở Hà Nội và một số địa phương, nhiều đơn vị nghệ thuật được gọi là nhà hát nhưng thực tế không có “nhà” để “hát”, thường xuyên phải đi thuê địa điểm biểu diễn. Hệ thống rạp chiếu phim khó có thể cạnh tranh với hệ thống rạp chiếu của nước ngoài đầu tư về độ hoành tráng, quy mô cũng như trang thiết bị hiện đại. Ở cấp cơ sở như thôn, bản, xã, phường, nhiều trung tâm văn hóa-thể thao hoạt động cầm chừng với những nội dung đơn giản, sơ sài, do kinh phí hạn hẹp và bộ máy hoạt động yếu về chuyên môn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên, có thể kể ra như: Hệ thống chính sách pháp luật, văn bản hướng dẫn, quy chế thực hiện còn chung chung, chưa có sự liên thông, thiếu đồng bộ, chưa quan tâm đến tính đặc thù của một số lĩnh vực trong văn hóa. Việc này dẫn đến tình trạng một số địa phương lúng túng trong thực hiện, “mạnh ai nấy làm”. Công tác xã hội hóa được khuyến khích nhưng vì thiếu những hướng dẫn cụ thể nên nhiều nơi có biểu hiện tiêu cực, biến tướng “lách luật” để trục lợi cá nhân. Chế độ tiền lương cũng như đãi ngộ dành cho các cán bộ, nhân viên thuộc lĩnh vực chưa phù hợp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các thiết chế văn hóa hoạt động kém hiệu quả.

Đầu tháng 5 vừa qua, hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh tổ chức đã tập trung vào nhóm các giải pháp trọng tâm liên quan nhằm quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Theo đó, Quốc hội sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm chính sách đầu tư công, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công-tư và chính sách xã hội hóa; các chính sách ưu đãi khác như hỗ trợ đầu tư, nhất là về đất đai, thuế, vốn tín dụng trong việc xây dựng các cơ sở văn hóa thể thao, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.

Từ đây cho thấy những cơ sở về mặt pháp lý để phát triển thiết chế văn hóa đang ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên vẫn cần nhấn mạnh yếu tố nhận thức của lãnh đạo các cấp cơ sở ở từng địa phương về vai trò của các thiết chế văn hóa. Chỉ khi nhìn rõ tiềm năng, sức mạnh từ hệ thống hạ tầng văn hóa, mỗi địa phương sẽ chủ động đưa ra những chiến lược phát triển văn hóa phù hợp, vừa phát huy giá trị văn hóa bản sắc, vừa thúc đẩy sáng tạo và hưởng thụ văn hóa trong nhân dân, biến văn hóa trở thành động lực cho phát triển kinh tế địa phương.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống các thiết chế văn hóa, từ đó phát hiện, nhân rộng mô hình tiêu biểu phù hợp với đối tượng của mỗi vùng, miền, địa phương, phù hợp với từng lứa tuổi khác nhau. Ở những địa phương có tính đặc thù như miền núi hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần có cách thức phù hợp cho hoạt động của thiết chế văn hóa. Có như vậy, những hạ tầng cơ sở này mới thật sự trở thành điểm đến thu hút người dân.

Vấn đề kinh phí hoạt động cho các thiết chế văn hóa cũng cần được chú trọng quan tâm hơn nữa, thông qua việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí, dàn trải. Giám sát hiệu quả các hoạt động của thiết chế văn hóa, tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để mọi thành phần xã hội đều có thể chung tay xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đặc biệt cần quan tâm đến vấn đề con người vì đây là yếu tố trọng tâm trong phát triển văn hóa. Rà soát, sắp xếp, tổ chức nguồn nhân lực cho tinh gọn, hiệu quả. Công tác đào tạo nguồn nhân lực phải tăng cường, cập nhật liên tục những kỹ năng mới để hệ thống công chức, viên chức trong các thiết chế văn hóa đáp ứng được những đòi hỏi trong giai đoạn hiện nay.