Đầu tư đúng hướng cho ngành lúa gạo

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2023 của cả nước đạt 2,95 triệu tấn với kim ngạch 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm sản phẩm nông sản chủ lực.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa đông xuân tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. (Ảnh: NGUYỄN SỰ)
Thu hoạch lúa đông xuân tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. (Ảnh: NGUYỄN SỰ)

Giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam 4 tháng đầu năm cũng ở mức cao, đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt đã kéo giá lúa tại các địa phương đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trong những tháng qua.

Dự báo, thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam còn nhiều cơ hội tiếp tục tăng trưởng. Nguyên nhân là do nguồn cung của các nước xuất khẩu gạo khác đang giảm do thời tiết, thiên tai, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo dự trữ của nhiều quốc gia lại tăng đáng kể.

Giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam 4 tháng đầu năm cũng ở mức cao, đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt đã kéo giá lúa tại các địa phương đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trong những tháng qua.

Cụ thể, năm 2023, Indonesia dự kiến nhập khẩu 2 triệu tấn gạo. Trong năm 2023, Trung Quốc cũng được dự báo vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn với khoảng 5,1 triệu tấn.

Mặt khác, nhu cầu gạo tăng lên đáng kể còn do gạo đang trở thành một lựa chọn thay thế trong bối cảnh giá một số loại ngũ cốc khác tăng cao do xung đột Nga-Ukraine.

Rõ ràng, cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam đang rất lớn với mức giá tương đối cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống lương thực toàn cầu được dự báo có nhiều biến động và dễ xảy ra khủng hoảng thiếu hụt, chúng ta cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong hoạt động xuất khẩu.

Nghĩa là, cần cân đối chính xác và kỹ lưỡng nguồn cung trong nước từng mùa vụ để chủ động sản lượng xuất khẩu nhằm tăng kim ngạch, tăng lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp, đồng thời giữ vững an ninh lương thực quốc gia.

Cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam đang rất lớn với mức giá tương đối cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống lương thực toàn cầu được dự báo có nhiều biến động và dễ xảy ra khủng hoảng thiếu hụt, chúng ta cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong hoạt động xuất khẩu.

Ngoài ra, cần theo dõi và có dự báo kịp thời về thị trường gạo thế giới để điều chỉnh giá bán phù hợp cũng như chuyển hướng thị trường. Bên cạnh đó, với sản lượng và giá bán gạo tăng cao, hiện nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo đang có đà kinh doanh và mức lợi nhuận tương đối tốt, thì đây chính là thời điểm nên tập trung đầu tư trở lại lĩnh vực sản xuất lúa gạo tại các vùng trọng điểm.

Theo đó, doanh nghiệp tích cực tham gia vào Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, đầu tư đẩy mạnh triển khai trồng lúa phát thải thấp, góp phần quan trọng vào cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng.

Cùng với nhu cầu lương thực đang tăng cao, xu hướng tiêu dùng gạo có nguồn gốc từ vùng trồng phát thải thấp đang ngày càng được người tiêu dùng thế giới quan tâm và trả mức giá xứng đáng.

Các địa phương cũng cần tăng cường quản lý đất trồng lúa để bảo đảm giữ ổn định diện tích đất lúa mang lại hiệu quả cao như quy định tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ: “Trong phạm vi diện tích phù hợp, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đi đôi với việc bảo đảm lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa”.