Đầu tư Cảng quốc tế Cần Giờ để đột phá kinh tế biển

Việc sớm đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ phù hợp các nghị quyết về quy hoạch cảng biển được Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ thông qua mà còn là hạt nhân thúc đẩy và phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước, khu vực, đặc biệt là của vùng Đông Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00

Theo Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast)-Đơn vị lập đề án, cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ nằm đối diện với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện tại, là khu cảng có vị trí thuận lợi để thực hiện trung chuyển quốc tế.

Vị trí khu cảng được đề xuất ở khu vực cù lao Phú Lợi, nằm ở cửa sông Cái Mép, huyện Cần Giờ. Công trình thiết kế có quy mô bến chính dài gần 7km, khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay (24.000 teus-tương đương 24.000 container loại 20 feet).

Biến Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Portcoast đánh giá: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tiềm năng rất lớn để cạnh tranh với các hub trung chuyển trong khu vực như Singapore hay Malaysia. Khi phát triển, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Bắc Mỹ và châu Âu có thể trung chuyển tại Cần Giờ thay vì tại các cảng trung chuyển quốc tế khác của châu Á. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng cảng này sẽ là hạt nhân thúc đẩy và phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước.

"Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được định hướng theo hướng bền vững. Bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng", ông Tuấn nhận định.

Tại hội thảo về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ chia sẻ: Đề án này tôi đã trăn trở 20 năm trước khi Nghị quyết số 20 của Bộ Chính trị về di dời cảng biển ra đời. Lúc đó, thành phố di dời hầu như các cảng ra ngoại thành thì các sở, ngành cũng như bản thân tôi đã tính đến việc quy hoạch cảng ở cửa ngõ Cần Giờ. Cho đến thời điểm này, đề án rất thuận lợi để thực hiện vì đây là sự ấp ủ, nghiên cứu trong nhiều năm, trong đó có nhà đầu tư, công ty vận tải đường biển MSC, một công ty hàng đầu thế giới kết hợp với Cảng Sài Gòn nghiên cứu.

"Do đó, đối với dự án này vấn đề không nằm ở chỗ làm hay không làm mà làm sao Thành phố Hồ Chí Minh làm nhanh nhất để không đánh mất cơ hội", ông Lịch nêu quan điểm.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, cảng trung chuyển Cần Giờ phù hợp mô hình một cảng tầm vóc khu vực. Công trình khi hình thành là động lực để phát triển đội tàu container ở Việt Nam, đồng thời tạo ra một khu đô thị biển Cần Giờ, kéo theo phát triển các trung tâm logistics lớn. Tuy nhiên, để Cần Giờ trở thành một cảng trung chuyển quốc tế như Singapore ngoài đầu tư hạ tầng cần áp dụng công nghệ hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, việc triển khai cũng cần cơ chế, chính sách phù hợp.

Điều kiện quy hoạch, pháp lý thuận lợi

Ngoài vận chuyển hàng hóa, đường bộ kết nối đến dự án, còn có mục đích không thể thiếu là phục vụ nhu cầu đi lại của lao động cảng, vận chuyển nhiên liệu và thiết bị kể từ khi cảng đi vào hoạt động. Do vậy, theo đơn vị nghiên cứu dự án, nhu cầu kết nối giao thông đường bộ đến dự án từ ngày đầu đưa vào khai thác cảng là rất cần thiết nên Thành phố Hồ Chí Minh cần đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ nếu quyết tâm thực hiện dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng nhấn mạnh, bến cảng Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Ðây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, điều kiện pháp lý cũng như các quy hoạch liên quan để đề án này có thể triển khai đã sẵn sàng, như: Nghị quyết số 154 ban hành ngày 23/11/2022 của Chính phủ; Nghị quyết số 31 ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 81/2023/QH15 và Quyết định số 200/QĐ-UBND đều đặt mục tiêu nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Cần Giờ trở thành động lực mới cho Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Ngoài ra, lịch sử phát triển của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh hơn 300 năm qua gắn liền với sự phát triển của cảng biển, vận tải biển. Đến nay, hạ tầng cảng biển của thành phố đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch, các cảng xây dựng đồng bộ, hiện đại, công nghệ mới, khai thác hiệu quả đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và của cả khu vực phía nam.

Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chia làm bảy giai đoạn thực hiện, có nguồn vốn đầu tư gần 129 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 5,5 tỷ USD), thực hiện bằng nguồn vốn của nhà đầu tư. Việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển trong giai đoạn 2021-2030, trong đó có cảng Cần Giờ theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía nam nói chung.