Đấu tranh với nhóm “bảo kê” trên vùng biển Kiên Giang

Tại tỉnh Kiên Giang, một nhóm người đã tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi ven biển, khi người dân đến đánh bắt, thu mua hải sản thì bị ngăn cản, hoặc buộc phải nộp tiền. Nếu không đồng ý, nhóm đối tượng này đe dọa, thậm chí là dùng hung khí gây thương tích. Điều đáng nói, việc “bảo kê” trên diễn ra trong thời gian dài mới bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý...
Vùng bãi bồi ven biển tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Vùng bãi bồi ven biển tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tháng 12/2023, người dân xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang phản ánh bị các nhóm đối tượng ngăn chặn khi khai thác nghêu, sò bên trong bờ kè. Theo bà con, trước đó, mặt nước bên trong bờ kè thuộc xã Vân Khánh đã được cơ quan chức năng giao khoán để nuôi nghêu, sò gắn với bảo vệ và trồng rừng phòng hộ ven biển. Đến khi nghêu, sò lớn, bà con ra khai thác thì bị nhóm đối tượng đe dọa, ngăn cản, kể cả ở khu vực xa bãi bồi, vùng biển mọi người được phép khai thác hải sản tự do.

Để uy hiếp, khi phát hiện ghe xuồng của người dân, các đối tượng cho vỏ máy lao thẳng vào. “Tôi được giao khu vực bãi bồi để nuôi nghêu, sò nhưng khi ra thu hoạch thì một số người nói là sò của họ thả, không cho tôi bắt. Nhóm người này không biết ở đâu lại đây, ăn nói, hành xử rất ngang ngược…”, ông Phan Văn H., ngụ xã Vân Khánh cho biết.

Theo nhiều người dân xã Vân Khánh, tất cả các vùng đất bãi bồi đều được giao khoán cho bà con canh tác trước khi bị sạt lở. Chuyện bao chiếm, ngăn cản người dân khai thác chỉ xuất hiện sau khi Nhà nước làm bờ kè chắn sóng, bên trong đã được tạo bãi và thủy sản đến sinh sôi nhiều hơn.

Chính quyền địa phương đã có chỉ đạo giải quyết nhưng hiệu quả không cao. Chị Trương Thị L., ngụ xã Vân Khánh, cho biết: “Vài năm trước, Nhà nước giao khoán cho tôi nuôi nghêu, sò. Đầu năm 2024, tôi ra bãi bồi cắm mốc ranh, khoanh vùng nuôi của mình thì bị bọn chúng nhổ cọc mốc ranh của tôi hết…”.

Tương tự, tại xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, ngư dân cũng khổ vì “giang hồ” bao chiếm mặt biển gần hai năm qua. Ông Trần Văn L., ngụ xã Lình Huỳnh, cho biết, ông từng là nạn nhân của nhóm giang hồ bao chiếm mặt biển khi nhóm này yêu cầu ông phải chia đôi sản phẩm mới cho khai thác thủy sản. Nếu không chia, nhóm này sẽ không cho hoạt động. Ông L. cho hay, chỗ nào gần bờ họ đã chiếm hết, nếu không chung chi sẽ không cho khai thác.

Theo bà con ngư dân, có một nhóm người xăm trổ đầy mình đến bao chiếm mặt biển ở xã Lình Huỳnh ngày càng táo tợn. Nhóm người này cắm cây xuống biển cách bờ từ 2-3 km. Khi ngư dân ra biển khai thác thì họ nói là ngư trường của họ. Muốn khai thác, bà con phải trả tiền từ 400 đến 500 nghìn đồng/ghe, tùy ghe lớn, nhỏ, nếu không thì phải bán sản phẩm cho họ với giá rẻ.

Nhóm đối tượng nêu trên đến từ các địa phương khác và đã từng xảy ra đánh nhau với ngư dân địa phương trên biển. Bà con xã Lình Huỳnh đã nhiều lần kiến nghị tỉnh Kiên Giang, huyện Hòn Đất sớm giao khoán mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, đồng thời xử lý các đối tượng đến bao chiếm.

Theo Công an huyện Hòn Đất, từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp các ngành chức năng bắt, khởi tố ba nhóm với 20 nghi phạm liên quan đến bao chiếm mặt nước biển trên địa bàn và các tội danh khác.

Còn theo Đồn Biên phòng Lình Huỳnh (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang), có khoảng 14-15 chòi trên mặt biển do nhóm giang hồ dựng lên. Nổi nhất là nhóm của ông T. T. Th. (43 tuổi), ngụ xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất. Nhóm ông Th. có khoảng 100 “đàn em” bảo kê mặt nước biển với gậy, dao và súng tự chế rất hung hãn.

Theo một cán bộ Đồn Biên phòng Lình Huỳnh, trước đó, đơn vị đã phối hợp Công an huyện Hòn Đất đẩy đuổi nhóm này cho nên họ không thu tiền được của dân. Sau đó, nhóm này đến tận nhà ngư dân chém ba người gây thương tích, vụ việc này đang được Công an huyện Hòn Đất thụ lý.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân dân huyện Hòn Đất thừa nhận, bảy xã, thị trấn ven biển của huyện đều có tình trạng “giang hồ” bao chiếm mặt biển. Tuy nhiên, việc xác định có ai “chống lưng” hay không thì cũng chưa xác định được, đang giao Công an huyện theo dõi, xử lý vụ việc…

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin liên quan việc đấu tranh với nhóm đối tượng “bảo kê” trên vùng ven biển Kiên Giang mới đây (1/7/2024), Thượng tá Nguyễn Thanh Có, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết, từ tháng 2/2024 đến nay, Công an tỉnh Kiên Giang đã phối hợp cơ quan chức năng điều tra, xử lý nhóm nghi phạm về tội “Gây rối trật tự công cộng” trên biển. Cụ thể, Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố, bắt tạm giam các nghi phạm: Thái Quốc Tịnh, 28 tuổi; Phạm Văn Xia, 46 tuổi; Huỳnh Trí Khanh, 22 tuổi; Đinh Văn Lành, 30 tuổi; Phạm Minh Quyết, 40 tuổi; Đặng Văn Thắm, 41 tuổi, cùng ngụ huyện An Minh và Lê Minh Tâm, 40 tuổi, ngụ huyện Hòn Đất. Nghi phạm Phạm Minh Quyết được cho là đối tượng cầm đầu băng nhóm bảo kê trên vùng biển từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương. Khi người dân đến đánh bắt, thu mua hải sản trên vùng khai thác nêu trên thì bị các nhóm này đánh đuổi không cho đánh bắt, hoặc cho đánh bắt nhưng phải bán hải sản cho nhóm này với giá thấp.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố bổ sung và bắt thêm ba đối tượng về tội “Đưa, nhận và môi giới hối lộ” liên quan đến vụ “bảo kê” trên vùng biển Kiên Giang.

Theo đó, khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Thanh Liêm, 54 tuổi, nguyên cán bộ thanh tra thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang về hành vi “Nhận hối lộ”; Nguyễn Tấn Dũng, 58 tuổi, ngụ xã Bình An, huyện Kiên Lương và Nguyễn Thái Ngạn, 38 tuổi, ngụ xã Đông Hòa, huyện An Minh về hành vi “Môi giới hối lộ”.

Đến ngày 3/8/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang tiếp nhận hai nghi phạm đầu thú về hành vi “đưa, nhận hối lộ”, do có liên quan đến bảo kê mặt biển. Cụ thể, nghi phạm đầu thú về hành vi “nhận hối lộ” là Đinh Thành Lập, 42 tuổi, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, nhân viên hợp đồng dài hạn của Chi cục Kiểm ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang. Người còn lại là L.V.L., ngụ xã Bình An, huyện Kiên Lương, ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Tây Nam.

Như vậy, đến nay, vụ án “bảo kê” trên vùng biển Kiên Giang đã có 12 nghi can bị bắt giữ về tội “Gây rối trật tự công cộng”; “Đưa, nhận và môi giới hối lộ”. Sau khi một số nghi phạm bị khởi tố, bắt tạm giam, tình hình ngư trường ở vùng biển bị “bảo kê” trước đây đã ổn hơn rất nhiều.

Công an tỉnh Kiên Giang kêu gọi nạn nhân của nhóm bảo kê mặt biển từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương mạnh dạn tố cáo; những đối tượng là đồng phạm liên quan đến các nghi phạm bảo kê, bao chiếm vùng biển nêu trên sớm đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật...