Đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới: Dựng “lá chắn thép” trên biên giới

Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 tình hình hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới, trên biển, vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Tại những nơi được xác định là địa bàn phức tạp về ma túy, nhiệm vụ của các lực lượng nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng trong trấn áp tội phạm ma túy càng nặng nề.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên án A424.4p, bắt 8 đối tượng người Lào, thu 198 kg ma túy các loại, 1 xe ô-tô.
Chuyên án A424.4p, bắt 8 đối tượng người Lào, thu 198 kg ma túy các loại, 1 xe ô-tô.

Gần đây, tội phạm ma túy sử dụng các hình thức vận chuyển ngày càng đa dạng, với các thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Ðể vận chuyển ma túy, tội phạm sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau bằng cả đường bộ, đường biển, đường hàng không...; đồng thời, việc áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất ma tuý cũng như quá trình vận chuyển, giao dịch đã gây khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện, bắt giữ.

Tội phạm ẩn mình, biến hóa khôn lường

Cửa khẩu Thanh Thủy nằm trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, là nơi tiếp giáp và giao thương với tỉnh Bolykhamxay của nước bạn Lào. Do có đường giao thông đi lại dễ dàng, có nhiều đường mòn, lối mở, đường tiểu ngạch là cơ hội cho các loại tội phạm hoạt động, tội phạm ma túy dễ dàng đẩy mạnh các hoạt động mua bán, vận chuyển. Việc điện lưới quốc gia cũng như sóng điện thoại chưa phủ được đến nơi này, gây khó khăn trong quá trình trinh sát, phối hợp, hiệp đồng giữa cán bộ, chiến sĩ đơn vị với lực lượng chức năng trên địa bàn cũng như nước bạn.

Nếu như thời gian trước, các đối tượng lợi dụng người dân hai bên biên giới để vận chuyển ma túy thì hiện nay, các đối tượng đã hoán cải phương tiện xe khách, xe cá nhân qua lại biên giới, thậm chí để ma túy lẫn vào các hàng hóa khác, vào va-li giả làm khách du lịch, thăm thân, đi làm nương rẫy xa qua biên giới… nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy

Chia sẻ khó khăn trong công tác đấu tranh, phá án ma túy ở vùng biên, Ðại tá Dương Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: Khi lực lượng biên phòng tập trung đánh mạnh ma túy thẩm lậu qua biên giới nhằm phòng ngừa từ sớm, từ xa, các đối tượng đã quay lại phương thức cũ, đó là, thuê vác vận chuyển ma túy từ trung tâm Tam giác vàng về sâu trong ba tỉnh ngoại biên tiếp giáp Nghệ An. Sau đó, phân chia theo từng cung, tuyến, đoạn, giao phân công vận chuyển cho từng đối tượng. Do vậy, khi lực lượng chức năng bắt giữ được đối tượng, quá trình thẩm vấn, lấy lời khai gặp khó khăn, khi các đối tượng này không biết mình được đối tượng nào thuê, vận chuyển cho ai, cũng như không biết mình thuộc nhóm vận chuyển nào.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An, chỉ trong năm ngày đầu tháng 4, lực lượng phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh đấu tranh thành công hai chuyên án ma túy lớn, bắt giữ ba đối tượng thu giữ 60.000 viên ma túy tổng hợp.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa bàn mà tội phạm ma túy lợi dụng phạm tội. Ðại tá Tô Văn Ðồng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết: Với đường biên giới dài hơn 300 km, địa hình phức tạp, vùng biển rộng, thời tiết bất thường gây khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát. Số lượng người nhập cư từ các tỉnh khác đến tìm việc làm tại các khu công nghiệp, các dự án xây dựng gia tăng, là nơi lẩn trốn của các loại tội phạm.

Thời gian gần đây, tội phạm ma túy tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet để trao đổi, mua bán và rút ngắn thời gian giao dịch với mật độ cao, gây áp lực cho lực lượng chức năng trong truy xuất thông tin giao dịch trên môi trường mạng.

Các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram để giao dịch mua bán ma túy; sử dụng ứng dụng mua bán trực tuyến qua ngân hàng, hoặc sử dụng ví điện tử như: Mo Mo, VN Pay; lợi dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh, xe công nghệ, tội phạm tiến hành giao nhận qua đường này mà không giao hàng trực tiếp.

Trung tá Lương Thành Trung, Phó đồn trưởng Ðồn Biên phòng Hải Hòa cho biết: Số vụ mua bán, vận chuyển ma túy trên địa bàn tuy không lớn nhưng phức tạp về hành vi. Các đối tượng hoạt động không cố định, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm. Chúng lợi dụng đêm khuya vắng vẻ không có người qua lại, lén lút hoạt động. Một số đối tượng thuê nhà trọ, nhà nghỉ tụ tập mua bán, sử dụng chất ma túy. Khi thực hiện truy bắt, các đối tượng liều lĩnh chống trả và khống chế người dân.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác bám, nắm chắc địa bàn, lấy công tác vận động quần chúng làm cơ bản, lấy công tác trinh sát làm mũi nhọn để tiến hành điều tra, phát hiện tội phạm trên khu vực biên giới. Tại khu vực biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên lập các chốt, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc người ra vào khu vực biên giới. Năm 2023 và sáu tháng đầu năm 2024, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh phát hiện, bắt giữ, xử lý 16 vụ với 22 đối tượng phạm tội về ma túy.

Phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng đấu tranh

Dự báo, thời gian tới, hoạt động của tội phạm ma túy, buôn lậu diễn biến sẽ còn phức tạp, manh động và nguy hiểm hơn. Trong khi đó, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, các đối tượng tiếp tục lợi dụng để thuê vận chuyển ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm qua biên giới, cửa khẩu. Mục tiêu, yêu cầu xuyên suốt của các lực lượng chức năng là phải ngăn chặn tội phạm qua biên giới một cách hiệu quả và triệt để hơn.

Ðể chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới cửa khẩu cần tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xác lập chuyên án đấu tranh với các tổ chức, đường dây ma túy lớn, xuyên quốc gia; tập trung đánh đúng, đánh trúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Chủ động phát hiện, ngăn chặn tội phạm từ sớm, từ xa từ ngoài biên giới. Tăng cường phối hợp hiệp đồng với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước để phòng ngừa đấu tranh với tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng; chú trọng triển khai thực hiện các quy chế phối hợp, biên bản thỏa thuận hợp tác với các nước một cách thực chất, hiệu quả.

Thiếu tướng Ðỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng

Một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm về ma túy là làm tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp nhân dân phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, từng bước xóa bỏ nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhất là, ở những xã, bản phức tạp về tội phạm, từng bước tạo “phòng tuyến”, “lá chắn thép” vững chắc trong phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới; đồng thời, xây dựng lực lượng chuyên trách đủ mạnh để phát huy vai trò chủ trì bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới, góp phần giảm đến mức thấp nhất lượng ma túy thẩm lậu vào Việt Nam.

Công tác đấu tranh phòng chống ma túy không đơn giản là việc truy quét, vây bắt các đối tượng phạm tội. Hoạt động này chỉ thật sự hiệu quả khi được triển khai đồng bộ trên nhiều mặt. Bài học từ các chuyên án do lực lượng Bộ đội Biên phòng phá thành công thời gian qua cho thấy tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh phòng chống ma túy; công tác nghiệp vụ cơ bản của cán bộ, chiến sĩ biên phòng.

Tại các buổi trao thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh với tội phạm ma túy do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh và Nghệ An tổ chức, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền vận động quần chúng đấu tranh phòng chống ma túy không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng phòng chống ma túy, mà còn là trách nhiệm của các tổ công tác địa bàn, đảng viên sinh hoạt tại các bản làng, phụ trách hộ gia đình.

Thời gian tới, các đồn biên phòng tiếp tục làm tốt việc cử cán bộ trực tiếp xuống từng hộ gia đình hỗ trợ phát triển kinh tế; giáo dục trực tiếp đối với những trường hợp nghiện ma túy hoặc đối tượng có hoạt động ma túy trước đây đi cải tạo, giam giữ trở về địa phương.

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 8/7/2024.