Dầu thô lấy lại đà tăng, giá cà phê nối dài chuỗi lao dốc

NDO - Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch hôm qua (14/9), diễn biến phân hóa chia bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới thành 2 nửa xanh đỏ. Lực mua có phần chiếm ưu thế, đặc biệt ở thị trường năng lượng đã giúp chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng nhẹ 0,28%, lên mức 2.599 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh gần 10%, đạt 5.400 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Dầu thô lấy lại đà tăng, giá cà phê nối dài chuỗi lao dốc ảnh 1

Giá dầu lấy lại sắc xanh sau báo cáo tháng của IEA

Bất chấp mức giảm trong phiên sáng, giá dầu lấy lại sắc xanh ngay sau khi báo cáo thị trường dầu tháng 9 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) được công bố.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/9, giá WTI tăng 1,34% lên 88,48 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1% lên 94,1 USD/thùng.

Dầu thô lấy lại đà tăng, giá cà phê nối dài chuỗi lao dốc ảnh 2

Hôm qua tiếp tục là 1 phiên giao dịch đầy biến động đối với thị trường, khi giá dầu trong phiên liên tục giằng co mạnh với các lực trái chiều trên thị trường.

Dù vậy, giá dầu lấy lại đà tăng sau khi EIA điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022 thêm 380 nghìn thùng/ngày lên 2,1 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các nước châu Âu và châu Á chuyển từ sử dụng khí tự nhiên sang dùng dầu để sản xuất điện.

Theo Platts Analytics, trong quý IV/2022, nhu cầu chuyển đổi có thể đẩy tiêu thụ dầu tăng thêm gần 450 nghìn thùng/ngày, trong khi quý I/2023 có thể sẽ đạt đến trên 600 nghìn thùng/ngày. Theo kỳ vọng của IEA, nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ đạt 99,7 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 101,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023.

Về phía nguồn cung, mặc dù IEA điều chỉnh tăng sản lượng dầu của Nga, tuy nhiên lại hạ dự báo cho sản lượng dầu Bắc Mỹ. Với giá dầu biến động mạnh và có những lúc điều chỉnh về vùng đáy 6 tháng, các nhà sản xuất không có nhiều động lực để tăng chi đầu tư cho các giếng dầu.

Mặc dù IEA kỳ vọng tồn kho dầu sẽ tăng với tốc độ 900 nghìn thùng/ngày trong 3 tháng cuối năm và 500 nghìn thùng/ngày trong nửa đầu năm 2023, giống như Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), IEA cũng không loại trừ khả năng giá dầu tăng mạnh do bất ổn nguồn cung.

Trong khi đó, báo cáo thị trường dầu hàng tuần của EIA cho thấy tồn kho dầu thương mại tăng 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc 9/9. Xuất khẩu dầu của Mỹ tiếp tục duy trì ở mức trên 6,3 triệu thùng/ngày, trong khi nhập khẩu giảm do nhu cầu lái xe sẽ giảm dần khi mùa hè kết thúc.

Tuy vậy, nếu không tính đến dầu giải phóng từ kho dự trữ SPR, tồn kho thực tế sẽ giảm 6 triệu thùng; và với việc Mỹ sẽ chấm dứt giải phóng dầu SPR trong tháng 10, đồng thời phải triển khai bổ sung dầu trở lại vào kho, giá dầu sẽ vẫn phải duy trì ở mức cao trong các tháng còn lại.

Dự báo thời tiết thuận lợi cho mùa vụ tại Brazil kéo giá cà phê đi xuống

Đóng cửa hôm qua, 14/9, sắc đỏ bao trùm trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Arabica dẫn đầu xu hướng giảm của nhóm với mức giảm mạnh 2,65%, do kỳ vọng lượng mưa vào cuối tháng sẽ thúc đẩy giai đoạn ra hoa của cây trồng.

Theo Ban Khí tượng nông nghiệp Refinitiv, khu vực trồng cà phê chính tại Brazil sẽ đón nhận một lượng mưa khoảng 80mm trong vài ngày tới. Thông tin này đang khiến thị trường kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình ra hoa của cây cà phê, đồng thời cải thiện chất lượng mùa vụ sau thời gian dài đối diện với khô hạn. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến giá cà phê nối dài đà giảm với chuỗi 3 phiên liên tiếp trong tuần này.

Theo sau đà giảm của cà phê Arabica, giá dầu cọ thô trong phiên hôm qua cũng suy yếu 1,08%. Sau chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp, lực bán chốt lời của giới đầu cơ là nguyên nhân chính khiến giá mặt hàng này xoay chiều.

Dầu thô lấy lại đà tăng, giá cà phê nối dài chuỗi lao dốc ảnh 3

Sản lượng đường trong nửa cuối tháng 8 tại vùng trung nam của Brazil tăng gần 6% so cùng kỳ năm trước tiếp tục có những tác động tiêu cực lên giá đường.

Bên cạnh đó, Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ ba thế giới, nhiều khả năng sẽ cho phép xuất khẩu 5 triệu tấn đường trong giai đoạn tới, điều này dự kiến sẽ giúp nguồn cung trở nên dồi dào, từ đó gây sức ép lên giá.

Sản lượng ca cao xay trong 14 ngày đầu tháng 9 tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, đạt 59 nghìn tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ tháng 8. Điều này cho thấy sự tích cực về nguồn cung ca cao ở thời điểm hiện tại, từ đó thúc đẩy lực bán trên thị trường khiến giá giảm 1,62% trong phiên hôm qua.

Ở chiều ngược lại, việc chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ quay lại đà suy yếu khi khô nóng tái diễn tại bang Texas, khiến thị trường chững lại sau những phản ứng với số liệu về nguồn cung tích cực trong báo cáo cung-cầu tháng 9.

Bên cạnh đó, đồng Dollar suy yếu sau dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Mỹ, khiến bông tại đây trở nên rẻ hơn với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, đẩy lực mua gia tăng.

Giá cà phê nội địa vẫn còn nhiều dư địa tăng

Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ liên tục giảm từ đầu tuần đến nay. Ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê thu mua tiếp tục giảm thêm 100 đồng/kg sau ngày giảm mạnh trước đó, hiện đang dao động trong khoảng giá 47.100-47.700 đồng. Như vậy so với đầu tháng 9, giá cà phê trong nước đã giảm đến 1.000 đồng/kg.

Dầu thô lấy lại đà tăng, giá cà phê nối dài chuỗi lao dốc ảnh 4

Tuy nhiên, theo MXV, giá cà phê nhiều khả năng chỉ chịu áp lực trong ngắn hạn. Mặt hàng này vẫn còn rất nhiều dư địa tăng khi mà nguồn cung toàn cầu niên vụ tới đang đứng trước nguy cơ sụt giảm, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ vẫn ổn định và thậm chí có thể gia tăng.

Như vậy, ngành cà phê nước ta đang có nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Và để đón nhận xu hướng tiêu dùng cà phê mới trên thế giới, các doanh nghiệp trong nước cần chuyển dịch phương thức chế biến, rang xay nhằm phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng từ các thị trường Mỹ hay là châu Âu.