Đảng viên Trạc Văn Vinh (sinh năm 1985), là Bí thư Chi bộ, người có uy tín trong cộng đồng người Cao Lan ở thôn Vĩnh Ninh, xã Lục Sơn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Bằng sức trẻ cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh chuyển đổi 4.000 m2 đất vườn tạp sang trồng cây ăn quả (vải thiều, nhãn). Riêng 3 ha rừng, anh từ bỏ cây trồng truyền thống như: Ngô, sắn để chuyển sang trồng keo, bạch đàn.
Thấy cách làm này mang lại hiệu quả cao hơn, người dân trong thôn cũng làm theo, chuyển toàn bộ diện tích đất rừng, nương rẫy sang trồng cây lâm nghiệp. "Từ trồng cây lâm nghiệp, đời sống đồng bào đã cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn hơn 12%. Không còn gia đình nào phải ở nhà tạm, dột nát; ngày càng có nhiều hộ xây dựng nhà ở khang trang, kiên cố. Tất cả đều nhờ rừng đấy!", anh Trạc Văn Vinh vui mừng chia sẻ.
Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 89.459 đảng viên, trong đó có 7.225 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Dù chiếm tỷ lệ nhỏ, lại sinh sống ở vùng còn nhiều khó khăn, song với tinh thần trách nhiệm, nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số nêu gương trong phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
Thí dụ như đảng viên Chu Văn Hùng (sinh năm 1984), dân tộc Nùng ở thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn (Lục Nam) mạnh dạn thuê hơn 4 ha đất, đầu tư 400 triệu đồng xây dựng vùng trồng cây hương thảo tập trung, tạo việc làm cho sáu lao động địa phương. Ngay trong năm đầu tiên, gia đình anh thu ba đợt với sản lượng 20 tấn, doanh thu 400 triệu đồng. Dự kiến từ năm thứ hai trở đi, diện tích trồng hương thảo sẽ cho thu hoạch ổn định, sản lượng đạt 40 tấn/năm...
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, hầu hết đảng viên người dân tộc thiểu số phát huy được vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Nhiều người trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong phát triển kinh tế; vận động, hướng dẫn người thân, bà con cùng mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu; nhờ đó kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm.
Để tạo hạt nhân trong các phong trào thi đua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp, kịp thời phát hiện, nhân rộng điển hình và kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng. Tại huyện Sơn Động, để phát triển đảng viên nói chung, đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng, trong các nghị quyết về phát triển kinh tế, Huyện ủy đều đề cao vai trò của từng đảng viên, tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là tại địa bàn khó khăn, qua đó tạo môi trường để quần chúng rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Theo ông Vi Thanh Quyền, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, để tiếp tục phát huy vai trò của đảng viên tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh lựa chọn chín điển hình, trong đó có năm cá nhân để xây dựng, nhân rộng.
Đây là những cá nhân năng động, sáng tạo được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Về lâu dài, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh dành nguồn lực để tạo việc làm cũng như phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số, qua đó vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa tạo nguồn phát triển Đảng.