Dấu mốc mới trong quan hệ New Zealand-EU

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa New Zealand và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu đi vào hiệu lực là một dấu mốc mới trong quan hệ hai bên. Được kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa hợp tác giữa New Zealand và EU, FTA này không chỉ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế mà còn góp phần củng cố mối quan hệ giữa hai bên.
0:00 / 0:00
0:00
FTA mang lại nhiều lợi ích cho New Zealand và EU. (Ảnh RNZ)
FTA mang lại nhiều lợi ích cho New Zealand và EU. (Ảnh RNZ)

New Zealand NEW ZEALAND và EU trải qua nhiều vòng đàm phán về FTA và kết thúc quá trình này vào tháng 6/2022. Hai bên chính thức ký FTA tại thủ đô Brussels của Bỉ vào tháng 7/2023. Sau cột mốc đáng nhớ này, New Zealand và EU tiến hành các bước nhằm hoàn tất phê chuẩn hiệp định. Với sự thống nhất của hai bên, FTA chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2024. Bên cạnh những quy định mới về thuế quan, hiệp định cũng có các nội dung về đầu tư, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ... FTA cũng giảm đáng kể các thủ tục mà hai bên phải tuân thủ trước đó nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai hiệp định. Với FTA, kim ngạch thương mại song phương dự kiến tăng trưởng 30% trong 10 năm tới.

Ngay ngày đầu FTA có hiệu lực, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay khẳng định, hiệp định là thành tựu quan trọng đạt được sau nhiều năm đàm phán giữa hai bên và cũng nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế của nước này. Nền kinh tế New Zealand phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế. Thông qua mối quan hệ bền chặt với các đối tác, New Zealand tận dụng các cơ hội nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch. Theo ông Todd McClay, Brussels là đối tác quan trọng và tin cậy của Wellington. Do đó, cùng với việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên, New Zealand mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế với EU. Với khoảng 450 triệu dân, EU là một trong những thị trường quan trọng nhất của New Zealand. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của New Zealand, với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 20,68 tỷ NZD.

Theo giới chức New Zealand, FTA sẽ tăng cơ hội tiếp cận thị trường EU cho các nhà xuất khẩu Xứ sở kiwi. Hiệp định đi vào hiệu lực sẽ loại bỏ thuế quan vào EU của 91% lượng hàng hóa New Zealand, trong đó có các mặt hàng như trái cây, hải sản, bơ... Con số này sẽ tăng lên 97% nếu FTA được thực thi đầy đủ sau bảy năm. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu New Zealand có thể tiết kiệm tới 100 triệu NZD tiền thuế mỗi năm. Ngoài ra, FTA cũng bao gồm các cam kết về dịch vụ và đầu tư nhằm bảo đảm rằng doanh nghiệp New Zealand có thể cạnh tranh công bằng hơn tại thị trường EU. Wellington dự kiến tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp New Zealand về FTA, qua đó thúc đẩy triển khai hiệu quả hiệp định.

Về phía EU, FTA với New Zealand sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế các nước thành viên. Hiệp định loại bỏ hoàn toàn thuế quan đối với hàng xuất khẩu của EU sang New Zealand. Theo Ủy ban châu Âu (EC), FTA sẽ giảm khoảng 140 triệu euro tiền thuế doanh nghiệp xuất khẩu EU vốn phải đóng mỗi năm. Cùng với sự tăng trưởng về thương mại, đầu tư của EU vào New Zealand cũng có tiềm năng tăng trưởng tới 80%. Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ New Zealand cũng sẽ mở cửa hơn đối với doanh nghiệp EU trong các lĩnh vực tài chính, viễn thông, vận tải biển và phân phối.

Với những cam kết chưa từng có giữa hai bên, FTA cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Thông qua FTA với New Zealand, một quốc gia thường đưa ra các thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, EU mong muốn nâng cao vai trò trong nỗ lực chung này. Điều này cũng sẽ bổ trợ những chính sách xanh mà EU và các nước thành viên đang theo đuổi. Như Chủ tịch EC Ursula von der Leyen từng nhận định, FTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và công bằng ở cả EU và New Zealand ■