Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet đến một quốc gia ASEAN kể từ khi ông giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia hồi tháng 8 vừa qua.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia trong những năm vừa qua có sự tiến triển hết sức tích cực trên tất cả các mặt.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận, với kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng liên tục trong thời gian qua.
Mặc dù hai nước đều chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD; năm 2022 đạt hơn 10,57 tỷ USD và 10 tháng từ đầu năm 2023 đạt 7,1 tỷ USD. Dự báo cả năm 2023, dù bị ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn ở một số khu vực trên thế giới thì giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa hai nước vẫn sẽ đạt khoảng hơn 9 tỷ USD.
Một dự án phát triển nông nghiệp quy mô lớn của Việt Nam tại tỉnh Kratie của Campuchia (Ảnh: Nguyễn Hiệp) |
Cùng với đó, quan hệ hợp tác giữa các cơ quan lập pháp, giữa các bộ ngành, các địa phương, cũng như các đoàn thể, các tổ chức nhân dân hai nước cũng có sự phát triển hết sức tích cực.
Đặc biệt, theo Đại sứ, một thuận lợi nữa là sau hơn ba tháng đi vào hoạt động, Chính phủ của tân Thủ tướng Hun Manet đã vận hành công việc một cách suôn sẻ. Nội bộ của Chính phủ Campuchia đã cho thấy sự đoàn kết, đồng thuận và ủng hộ rất cao đối với sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet.
“Chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet đến Việt Nam lần này chắc chắn sẽ rất thành công và sẽ mang lại một dấu mốc mới trong việc tăng cường vun đắp cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Campuchia”, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng khẳng định.
Ngài So Naro, Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng Campuchia, bày tỏ phấn khởi về quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Campuchia và Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Hiệp) |
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet, Tiến sĩ So Naro, Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, dù trên thế giới có nhiều biến động nhưng quan hệ hữu nghị anh em trên mọi lĩnh vực giữa Campuchia và Việt Nam vẫn rất tốt đẹp.
Campuchia vừa kỷ niệm trọng thể 45 năm Ngày thành lập Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia (2/12/1978-2/12/2023). Sự kiện nêu lại giai đoạn lịch sử, khi các nhà lãnh đạo Mặt trận và những người yêu nước Campuchia được sự giúp đỡ to lớn của bộ đội tình nguyện Việt Nam đã vùng lên đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt vong.
“Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Samdech Techo Hun Sen, vẫn thường nói, nếu không có ngày 2/12 thì sẽ không có ngày 7/1. Ngày 7/1/1979 là ngày Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và nếu không có ngày 7/1 thì Campuchia sẽ không có sự phát triển như ngày hôm nay”, ông So Naro cho biết.
Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia, nay là mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia (Ảnh: Nguyễn Hiệp) |
Trong năm 2023, Campuchia có thay đổi lớn, đó là việc chuyển giao quyền lực từ thế hệ lãnh đạo cao tuổi sang thế hệ lãnh đạo trẻ, có đầy đủ tri thức và nhiệt huyết để điều hành các hoạt động phát triển đất nước. Chính phủ nhiệm kỳ mới vẫn tiếp tục thực hiện chính sách của Chính phủ tiền nhiệm.
“Chính phủ mới tiếp tục củng cố và làm tốt hơn để đạt được mục tiêu Tầm nhìn Campuchia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050. Vì thế, quan hệ hợp tác giữa Campuchia và Việt Nam cũng là yếu tố bảo đảm cho sự thành công trong việc thực hiện mục tiêu quan trọng này của Campuchia”, Tiến sĩ So Naro khẳng định.
Theo Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng, Việt Nam là nước láng giềng gần gũi của Campuchia, có vị trí quan trọng chiến lược trên mọi lĩnh vực. Chuyến thăm chính thức quốc gia ASEAN đầu tiên này của Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet trên cương vị Thủ tướng Vương quốc Campuchia chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp.