Dấu mốc mới của khu vực Schengen

Bulgaria và Romania mới đây chính thức gia nhập một phần khu vực tự do đi lại Schengen rộng lớn của châu Âu, mở đường cho việc đi lại bằng đường biển và đường hàng không mà không cần các thủ tục kiểm tra biên giới. Giới chức châu Âu khẳng định, đây là thành công lớn cho cả Bulgaria và Romania, đồng thời là thời khắc lịch sử đối với khu vực Schengen.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Smartraveller/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Smartraveller/TTXVN)

Sau 13 năm chờ đợi, Bulgaria và Romania đã trở thành một phần của "đại gia đình" Schengen. Hai quốc gia này gia nhập khu vực Schengen với việc di chuyển tự do hiện chỉ được phép bằng đường hàng không và đường biển. Các biện pháp kiểm soát trên biên giới đất liền sẽ vẫn được duy trì do vấp phải sự phản đối của Áo, vì Áo lo ngại rằng hai quốc gia Đông Âu này sẽ là cửa ngõ cho những người di cư bất hợp pháp vào châu Âu. Chia sẻ với hãng tin AFP, nhà phân tích chính sách đối ngoại Stefan Popescu nhận định, tuy chỉ là gia nhập một phần khu vực Schengen nhưng việc dỡ bỏ kiểm soát tại biên giới trên không cũng như trên biển của Bulgaria và Romania có giá trị biểu tượng quan trọng. Chuyên gia này nêu rõ, bất kỳ người Romania nào phải đi bằng một làn tách biệt so với công dân EU khác đều cảm thấy bị đối xử khác biệt.

Giới chức châu Âu bày tỏ hoan nghênh việc Bulgaria và Romania gia nhập một phần khu vực Schengen. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, đây là thời khắc lịch sử của khối Schengen và nêu rõ các nước đang cùng nhau xây dựng một châu Âu mạnh mẽ, đoàn kết hơn cho mọi công dân. Tuyên bố của EC cho biết, kể từ tháng 12/2023, Bulgaria và Romania đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm áp dụng suôn sẻ các quy định của Schengen từ ngày 31/3/2024. Cũng theo tuyên bố, Bulgaria và Romania sẽ góp phần tăng cường các nỗ lực chung của châu Âu nhằm giải quyết vấn đề an ninh của EU ở các biên giới ngoài khối và thách thức di cư.

Với sự gia nhập của Bulgaria và Romania, Schengen sẽ bao gồm 29 thành viên, trong đó có 25 trong số 27 quốc gia thành viên EU, cùng với Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Tuyên bố của EC nhấn mạnh, khu vực Schengen với đường biên giới mở là "một trong những thành tựu đáng trân trọng nhất của các công dân EU".

Đối với Bulgaria và Romania, việc trở thành một phần của khối Schengen sẽ mang lại lợi ích đáng kể bởi người dân và doanh nghiệp có thể tự do đi lại, mở rộng thị trường tại các quốc gia trong khu vực.

Đối với Bulgaria và Romania, việc trở thành một phần của khối Schengen sẽ mang lại lợi ích đáng kể bởi người dân và doanh nghiệp có thể tự do đi lại, mở rộng thị trường tại các quốc gia trong khu vực. Bộ trưởng Tài chính Bulgaria Assen Vassilev cho biết, việc nằm ngoài khu vực Schengen đã khiến Bulgaria thiệt hại từ 2% đến 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và Romania cũng thiệt hại tương tự. Chính phủ Romania thông báo, các quy định Schengen sẽ được áp dụng tại 4 cảng biển và 17 sân bay của nước này. Romania cũng sẽ triển khai thêm nhiều nhân viên đến các sân bay để hỗ trợ hành khách và phát hiện những người muốn rời khỏi Romania bất hợp pháp.

Bulgaria và Romania đều là thành viên của EU từ năm 2007, đã xin gia nhập Schengen nhưng bị từ chối vào cuối năm 2022. Lý giải về việc Áo phủ quyết đơn xin gia nhập Schengen của hai nước này, Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner cho rằng, cần thắt chặt biên giới bên ngoài của EU vì mỗi năm có hơn 100.000 người di cư bất hợp pháp đã đến Áo thông qua các quốc gia thành viên EU mà lẽ ra từ đó họ không được phép tiếp tục hành trình.

Các cuộc đàm phán về mở cửa biên giới trên bộ để giúp Bulgaria và Romania tham gia hoàn toàn khối Schengen tiếp tục diễn ra trong năm 2024. Bộ trưởng Ngoại giao Romania Luminita-Teodora Odobescu từng nhấn mạnh, quyết tâm của Romania hợp tác chặt chẽ với Bulgaria cũng như tiếp tục đối thoại với Áo và các quốc gia EU khác nhằm thúc đẩy việc này. Những cơ hội mới đang mở ra với cả Bulgaria lẫn Romania, và hai nước cần nắm bắt thời cơ để đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.