Tranh cãi về kiểm soát biên giới khu vực Schengen

Khu vực tự do đi lại Schengen đang bất đồng về việc nhiều nước châu Âu muốn sử dụng các biện pháp kiểm soát biên giới để chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn người. Việc siết chặt kiểm soát diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã làm gia tăng căng thẳng xã hội ở nhiều nước châu Âu như Pháp và Đức - những nước có cộng đồng Do thái và Hồi giáo lớn nhất Liên minh châu Âu (EU).
0:00 / 0:00
0:00
Áo đang siết chặt kiểm soát biên giới với Czech để ngăn chặn nhập cư trái phép. Ảnh: WORD PRESS
Áo đang siết chặt kiểm soát biên giới với Czech để ngăn chặn nhập cư trái phép. Ảnh: WORD PRESS

Slovenia phản đối Áo gia hạn kiểm soát

Chính phủ Áo vừa quyết định gia hạn việc kiểm soát biên giới với CH Czech thêm 20 ngày. Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner cho biết, quyết định này nhằm đối phó nạn buôn người và nguy cơ khủng bố. Ngoài Czech, Áo hiện cũng đã gia hạn kiểm soát biên giới với Slovakia, Hungary và Slovenia. Tuy nhiên, trong khi việc gia hạn kiểm soát biên giới với Czech sẽ kéo dài thêm 20 ngày thì thời gian gia hạn kiểm soát biên giới với Slovenia lại lên tới sáu tháng, đến tháng 5/2024.

Phản ứng về việc gia hạn kiểm soát biên giới của Áo, Chính phủ Slovenia chỉ trích các biện pháp này là bất hợp pháp và không hiệu quả. Áo áp đặt các biện pháp kiểm soát đường biên giới dài 330 km với Slovenia từ năm 2015 và gia hạn sáu tháng một lần đến nay. Viện dẫn những lo ngại về tình trạng di cư bất thường, Vienna đã gia hạn 18 lần việc kiểm soát biên giới với các nước láng giềng Slovenia và Hungary.

Chính phủ Slovenia cho rằng những biện pháp như vậy của Áo không ngăn chặn hiệu quả tình trạng di cư, vì cảnh sát Slovenia chưa phát hiện bất kỳ sự gia tăng nào tình trạng vượt biên bất thường trên biên giới với Áo. Slovenia nhấn mạnh các biện pháp kiểm soát này tạo ra khó khăn lớn cho người dân ở khu vực biên giới, khách du lịch, môi trường và nền kinh tế.

Chính phủ Slovenia đề xuất các biện pháp thay thế như tuần tra chung, tăng cường kiểm soát một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng cũng như các hoạt động chung khác. Bên cạnh đó, Slovenia nhấn mạnh việc hình thành khu vực đi lại tự do Schengen là một trong những thành tựu quan trọng nhất của EU phải được bảo vệ và duy trì.

Nhiều nước kéo dài biện pháp tạm thời

Các biện pháp hạn chế biên giới được đưa ra sau khi gần đây, các sự cố an ninh công cộng liên tục xảy ra tại nhiều nước châu Âu. Áo không phải là quốc gia duy nhất duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới. Ngoài Áo, 10 quốc gia thành viên khác trong khối Schengen gồm Czech, Đức, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Italy, Slovakia, Slovenia và Ba Lan cũng áp dụng biện pháp này. Ngày 20/11, Chính phủ Slovakia thông qua quyết định duy trì các biện pháp kiểm soát tạm thời ở khu vực biên giới giữa nước này với Hungary cho đến ngày 23/12 tới nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp tăng trở lại.

Quốc gia Trung Âu này ban bố lệnh kiểm soát biên giới trên từ ngày 5/10 vừa qua, sau khi các nước láng giềng Ba Lan, Czech và Áo siết chặt khu vực biên giới với Slovakia. Nước này ghi nhận số người di cư bất hợp pháp bị bắt giữ trong 10 tháng đầu năm 2023 gấp hơn năm lần so cùng kỳ năm ngoái. Những người di cư, chủ yếu nam thanh niên đến từ Trung Đông và Afghanistan, tìm cách đi từ Serbia qua Hungary để tìm đến “miền đất hứa” ở Đức và các nước Tây Âu khác.

Tại Đức, sau khi thực hiện kiểm soát ở biên giới với Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ, Bộ Nội vụ Đức thông báo, tính sơ bộ sau 10 ngày tiến hành kiểm soát biên giới với ba quốc gia trên, bộ này đã phát hiện tổng cộng 3.700 lượt nhập cảnh trái phép vào Đức. Để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser đã quyết định gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời với Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ thêm 20 ngày nữa.

Kể từ cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015-2016, Đức chỉ tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới với Áo. Hiện, các biện pháp này được gia hạn liên tục sáu tháng/lần. Sau khi xung đột giữa lực lượng Hamas - Israel bùng phát, Bộ Nội vụ Đức quyết định thiết lập thêm các trạm kiểm soát biên giới tạm thời với Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ nhằm chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn người trái phép vào nước này. Phản ứng về vụ việc, Thụy Sĩ đã bày tỏ sự hối tiếc về việc Đức áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới.