Đất thép Quảng Trị qua hồi ức phóng viên chiến trường

NDO -

Với sự dũng cảm, gan dạ của người phóng viên chiến trường, Đoàn Công Tính là nhà báo duy nhất lọt vào Thành cổ Quảng Trị trong cuộc chiến 81 ngày đêm. Ống kính dũng cảm và tài hoa của ông đã làm tròn trách nhiệm nhân chứng lịch sử, ghi lại cho hậu thế hiện thực sống động của một thời khó quên. Mỗi khoảnh khắc bấm máy của Đoàn Công Tính là một câu chuyện, khắc họa từng bước chân oai hùng của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính trò chuyện với tác giả.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính trò chuyện với tác giả.

Ngôi nhà của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính thật giản dị, nằm trong con hẻm đường Nguyễn Trung Trực, phường 5, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Chúng tôi gợi chuyện xưa, những kỷ niệm cuộc đời cầm máy, nhất là những hình ảnh về đất thép Quảng Trị trong những năm 1971 - 1972, làm ông lặng đi vì xúc động. Ký ức về đồng đội, về chiến trường, những thời khắc lịch sử mà ông chứng kiến và ghi lại thời điểm đó; giây phút chia xa người vợ trẻ đang mang thai bốn tháng để vào chiến trường… khiến ông bồi hồi.

Chúng tôi trích ghi vài câu chuyện qua hồi ức của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính.

Bài 1: Chuyện trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính kể: Từ tháng 6-1971, đội ngũ những người cầm máy ảnh trong quân đội lại náo nức chuẩn bị để đi chiến trường. Rồi thời khắc đó đã đến.

Mùa xuân, đường Trường Sơn đầy nắng và gió. Từng đoàn quân rầm rập bước chân như lay động núi rừng. Tôi quàng chiếc ba lô con cóc chứa đầy phim nhựa, khoác hai máy ảnh vào vai và khẩu AK đeo trước ngực bám theo một đơn vị bộ binh Quân Giải phóng nhằm thẳng hướng Đường 9 - Nam Lào. Ở đây, bọn Mỹ và quân đội Sài Gòn đang tiến hành cuộc hành quân đầy tội ác và chúng sẽ nhận được những đòn trừng trị đích đáng của quân dân hai nước Việt - Lào. Ở đấy, những hình ảnh lịch sử đang chờ đón ống kính của chúng tôi.

Đất thép Quảng Trị qua hồi ức phóng viên chiến trường -0
 Lữ đoàn dù 3 – Quân đội Sài Gòn bị xóa sổ trên đồi không tên (Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào).

Theo kịp những đoàn quân thật vất vả, nhưng chúng tôi luôn được nâng dắt bởi những bàn tay đồng chí thân tình. Chúng tôi nhận thấy sự có mặt của mình ở hàng quân cũng có tác dụng động viên trở lại đối với chiến sĩ. Dọc đường hành quân, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã gợi ý cho tôi về những đề tài chụp ảnh, tưởng tượng thôi cũng đong đầy cảm xúc.

Đường Trường Sơn những ngày này thật sự hấp dẫn chúng tôi, những hình ảnh hùng vĩ, tươi đẹp của đất nước và nổi bật là hình ảnh cuộc chiến tranh nhân dân kỳ diệu, là hình ảnh đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào cùng chống kẻ thù chung...

Đất thép Quảng Trị qua hồi ức phóng viên chiến trường -0
 Để dọn đường cho quân đội Sài Gòn, máy bay Mỹ đã hủy diệt núi rừng Tây Trường Sơn (huyện Sê Pôn, tỉnh Xavanakhet – Lào), tháng 7-1971.

Tôi đã gặp các phóng viên ảnh của quân đội giải phóng Lào và chúng tôi đều hướng ống kính say sưa ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp: Đoàn voi thồ của các dân tộc Nam Lào gặp đoàn dân công dân tộc Vân Kiều, họ có chung một hướng phục vụ. Gặp nhau thân thiết như anh em một nhà và thế là, những cuộc liên hoan bất ngờ giữa rừng Trường Sơn vang lừng tiếng đàn Ta-lư xen những điệu Lâm-vông, bài hát Lâm-tơi rộn rã...

Chúng tôi gặp nhiều bản Mường, trong đó người dân tộc hai nước sống xen kẽ, thuận hòa, yêu làng bản từ bao đời nay. Chúng tôi đã ghi lại trong máy ảnh bản Văng-hinh vừa bị máy bay B52 tàn phá. Khói bom còn chưa tan hết, người hai nước giúp nhau sửa lại hầm hào, thu dọn thóc lúa.

Đất thép Quảng Trị qua hồi ức phóng viên chiến trường -0
 Quân Giải phóng tiến vào trung tâm cụm cứ điểm Bản Đông năm 1972.

Cô On Xa, con gái Lào Thoong xinh đẹp, đang gắng sức sửa lại cái khung cửi dệt dở tấm váy hoa rất đẹp vừa bị mảnh bom B52 cắt ngang. Nét mặt cô đầy vẻ căm giận. Thấy chúng tôi lại gần, giơ máy ảnh lên bấm, cô bỗng nở một nụ cười tươi như cánh hoa Chămpa mùa xuân. Cô nói, em sẽ dệt tấm vải này, dệt nhiều màu đẹp hơn để mai này đón các anh, liên hoan, mừng chiến thắng. Cạnh đó, mấy người đàn ông đang kê lại một cái vỏ bom bi mẹ làm máng cho lợn ăn.

Chúng tôi đã chụp tất cả, nhưng làm sao qua ống kính và phim nhựa chúng tôi có thể nói hết được những điều mình suy nghĩ, cảm xúc.

Đất thép Quảng Trị qua hồi ức phóng viên chiến trường -0
 Tổ săn máy bay phục kích bắn rơi 5 máy bay trực thăng trong một ngày.

Đi chiến trường, điều mơ ước cao nhất của người phóng viên ảnh là làm sao ghi được hình ảnh người chiến sĩ Quân Giải phóng ở tư thế đẹp nhất. Sau 43 ngày diễn biến ác liệt và thắng lợi giòn dã của chiến dịch, chưa bao giờ chúng tôi ghi được nhiều chất liệu sinh động đến thế.

Những hình ảnh quân đội hai nước Việt - Lào sát cánh chiến đấu giải phóng cao điểm 456, nơi diễn ra trận đánh hiệp đồng binh chủng tuyệt giỏi và làm rúng động toàn bộ chiến dịch, bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù số 3. Những trận địa nghi ngút khói lửa bốc ra từ những chiếc xe tăng, xe bọc thép của Mỹ bị Quân Giải phóng bắn cháy rụi, từ những chiếc máy bay lên thẳng Mỹ định đến cứu nguy cho đồng bọn, từ đủ loại phương tiện chiến tranh hiện đại mang nhãn hiệu “USA”, xác chết của lính dù Sài Gòn nằm la liệt đủ kiểu.

Đất thép Quảng Trị qua hồi ức phóng viên chiến trường -0
 Một góc Bản Đông sau trận đánh, năm 1972.

Chúng tôi đã chụp được bức ảnh khá độc đáo: Trong làn khói bom chưa tan, bóng các chiến sĩ Quân Giải phóng xung phong lướt qua xác của những lính dù, súng đạn Mỹ vung vãi bên cạnh.

Sau trận đánh, đồng chí chỉ huy một đơn vị Quân Giải phóng nắm tay tôi nói vui: “Làm ăn” được hả? Chỉ sợ các anh không đủ phim thôi, chứ cứ theo chúng tôi chắc chắn không thiếu ảnh quý đâu.

Đất thép Quảng Trị qua hồi ức phóng viên chiến trường -0
 Xác trực thăng Mỹ rơi giữa rừng Lào.

Quả đúng như lời người chỉ huy, chỉ hơn hai tuần sau, chúng tôi được sống những giờ phút không thể quên. Trong trận đại phá Bản Đông lịch sử, máy ảnh của chúng tôi đã có mặt trong giờ phút oanh liệt nhất. Những hình ảnh Quân Giải phóng đánh chiếm từng cao điểm, bắt sống tù binh, cả máy bay lên thẳng của địch xuống cứu đồng bọn. Những chiếc xe tăng địch liều mạng tháo chạy về phía cầu Cha-Ki. Dọc đường, không những chúng bị Quân Giải phóng bắn gục, mà còn bị ống kính máy ảnh đầy kinh nghiệm và tinh thần dũng cảm của các anh Triểu Hùng, Tư Đương “bắt gọn”.

Đất thép Quảng Trị qua hồi ức phóng viên chiến trường -0
 Tiếp tục đánh chiếm các cụm cứ điểm ở Bản Đông, năm 1972.

Tôi gắng sức chạy theo một tổ xung kích bộ binh đang truy lùng địch dọc Đường 9, từ Bản Đông về Lao Bảo. Vừa ra khỏi Bản Đông được 6km, các chiến sĩ dừng lại chuẩn bị chiến đấu. Tôi kịp nhìn thấy thấp thoáng sau lùm cây hàng chục xe tăng địch, có cái còn nổ máy ầm ầm, có cái đang cháy nghi ngút, một chiến sĩ phát hiện ra đó chỉ là đống xe tăng không người. Tụi lính khôn ngoan nhưng yếu bóng vía đã vứt xe lại chạy thoát thân.

Một chiến sĩ khác nhảy lên chiến M.41 giơ súng chống tăng yểm hộ cho các chiến sĩ khác vượt lên, quyết tìm bắt bọn lính địch chưa kịp lẩn trốn. Tôi sung sướng chớp ngay cảnh này và được tấm ảnh tốt. Ngay lúc đó, nhiều tốp máy bay phản lực địch đến ném bom, chúng tôi rời khỏi vị trí này, thì chỉ lát sau những chiếc xe tăng Mỹ ấy cũng bị bom đạn của chúng hất tung lên cùng với những xác chết ngổn ngang của lính dù, lính xe tăng địch.

Đất thép Quảng Trị qua hồi ức phóng viên chiến trường -0
 Xe tăng của ta bị trúng mìn, các chiến sĩ dũng cảm vượt lên truy kích địch.

Tôi quay lại Bản Đông thì quang cảnh đã thay đổi hoàn toàn, các mỏm đồi rải rác có những tốp bộ binh Quân Giải phóng đang gỡ mìn, thu dọn chiến lợi phẩm.

Từng “xâu tù binh” được giải qua trước mắt tôi, lấm lét nhìn vào ống kính máy ảnh, máy quay phim của anh em chúng tôi và hình như, cơn ác mộng khủng khiếp vẫn chưa tan hết trên nét mặt chúng.

Đất thép Quảng Trị qua hồi ức phóng viên chiến trường -0
 Báo tin chiến thắng Bản Đông, năm 1972.

Những phát pháo hiệu xanh, đỏ thi nhau vút lên không trung báo cho toàn chiến trường: Bản Đông đã hoàn toàn nằm trong tay Quân Giải phóng. Mấy chiếc máy bay trinh sát OV.10 và L.19 bay tít trên cao nhòm ngó bất lực. Các phóng viên, nhiếp ảnh, quay phim, các nhà báo, nhà văn lần lượt gặp nhau ở đây... Nhưng chúng tôi không thể dừng lại lâu, những tấm ảnh, phim quý cần được đưa gấp lên báo, lên máy phát hình.

Nhân dân ba nước Đông Dương, nhân dân toàn thế giới đang cần được xem tận mắt sự thất bại thảm hại của chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” và những chiến thắng oanh liệt của Quân Giải phóng trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào”.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính (SN 1943, quê Nam Định). 19 tuổi, ông vào quân ngũ. Năm 1969, ông được điều về công tác tại Báo Quân đội nhân dân và trở thành một trong những phóng viên chủ chốt. Sau một năm, ông được cử vào vùng đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) bám trụ để ghi lại những hình ảnh của bộ đội và du kích địa phương chiến đấu. Và 81 ngày đêm ở chiến trường Quảng Trị, đã lưu định trong cuộc đời cầm máy của Đoàn Công Tính.