Tại phiên họp, đại diện các nước đánh giá kinh tế thế giới và thị trường lao động toàn cầu đang đứng trước những thách thức to lớn, trong đó có sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ công và thị trường lao động. Trước tình hình đó, các nước cho rằng việc thúc đẩy việc làm bền vững là cần thiết để giảm bất bình đẳng, đói nghèo, góp phần thúc đẩy phục hồi sau đại dịch.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên khẳng định, Việt Nam ủng hộ chủ trương thúc đẩy việc làm bền vững, phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường đoàn kết, coi đó là yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Chia sẻ một số kinh nghiệm và kết quả phục hồi kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó tăng trưởng GDP năm 2022 đạt hơn 8% và tỷ lệ thất nghiệp được hạn chế ở mức 2,3%, đại diện Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt người dân vào trung tâm của chính sách phát triển, đẩy mạnh đổi mới giáo dục-đào tạo, tăng cường kỹ năng và khả năng thích ứng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Tham tán Công sứ khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để thúc đẩy quyền có việc làm bền vững của người lao động, coi đây là một trong những ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023-2026.