Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), hằng tháng Văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng 100 các thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp SPS từ các nước với nội dung về thay đổi mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, đối tượng kiểm dịch, quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm… Đây là khối lượng văn bản rất lớn, đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu liên quan phải cập nhật liên tục để thích ứng.
Nhiều quy định từ các thị trường trọng điểm
Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc Lò Xuân Quyết cho biết: Tổng kim ngạch thương mại nông sản của Trung Quốc năm 2022 đạt 334 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu là 236,0 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021. Gần 10 nhóm mặt hàng nông sản thực phẩm có kim ngạch nhập khẩu lên đến hơn 10 tỷ USD/năm, gồm: thủy sản, trái cây, ngũ cốc, đậu nành, dầu ăn, thịt bò, sản phẩm sữa. Việt Nam hiện xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc.
Tiềm năng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc là rất lớn, nhưng hiện nay, Trung Quốc đặt ra nhiều quy định liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu Việt Nam phải cập nhật nhanh chóng và thực hiện đầy đủ, nhất là trong điều kiện Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh nhập khẩu chính ngạch, giảm nhập khẩu tiểu ngạch.
Cụ thể là hàng loạt các văn bản quy định, như: Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”... Các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm, gồm: Tiêu chuẩn sử dụng phụ gia thực phẩm; Tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; Tiêu chuẩn dư lượng thuốc thú y; Tiêu chuẩn dư lượng tạp chất; Tiêu chuẩn dư lượng độc tố nấm mốc... Ngoài ra còn hàng loạt các quy định về bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), trong 10 tháng đầu năm 2023, các thành viên EU có đến 103 thông báo, dự thảo lấy ý kiến về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật phục vụ cho việc kiểm soát nông sản, thực phẩm khi nhập khẩu vào thị trường này.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin: EU đưa ra nhiều quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, như: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL); các hoạt chất dược lý trong thực phẩm có nguồn gốc động vật; dư lượng kim loại nặng và các chất gây ô nhiễm...
Vấn đề kiểm soát nhập khẩu vào EU cũng rất nghiêm ngặt, yêu cầu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và các tài liệu để bảo đảm rằng lô hàng đáp ứng các yêu cầu của EU, trong đó truy xuất nguồn gốc là bắt buộc với tất cả các sản phẩm.
“Thông thường tại EU, yêu cầu tiêu chuẩn của người mua thường cao hơn so với quy định luật pháp của EU. Do vậy để bán được sản phẩm, doanh nghiệp cần xác định được thị trường nào, người mua là ai, có những yêu cầu nào để thực hiện. Người mua châu Âu thường có những yêu cầu cụ thể, tùy thuộc vào kênh bán hàng và phân khúc sản phẩm của họ. Các yêu cầu phổ biến của người mua bao gồm chứng nhận Global GAP, tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường”- ông Ngô Xuân Nam cho biết thêm.
Trong khi đó, theo Văn phòng SPS Việt Nam, thị trường Nhật Bản lại có các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tương đương (và cao hơn) tiêu chuẩn quốc tế thông thường. Nhật Bản đòi hỏi sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các quy định trong Luật Vệ sinh thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn nông nghiệp và Luật Đo lường.
Riêng quy định về dư lượng hóa chất nông nghiệp, Nhật Bản thiết lập mức dư lượng tối đa (MRLs) chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm thành một tiêu chuẩn của thực phẩm do Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi xã hội Nhật Bản quy định. Thực phẩm bị phát hiện vượt quá mức MRLs được coi là vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm sẽ bị từ chối tại cảng và tăng cường giám sát đối với các lô hàng tiếp theo.
Nâng cao năng lực sản xuất, chế biến của doanh nghiệp
Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam được hưởng lợi từ các ưu đãi về thuế quan đồng thời cũng phải thực thi các biện pháp phi thuế quan được các quốc gia áp dụng ngày càng nhiều. Do đó, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, đáp ứng yêu cầu của từng thị trường là vấn đề quan trọng nhất đặt ra đối với nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Các sản phẩm gạo Việt Nam hiện được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn nhập khẩu. (Ảnh HÀ AN) |
Hiện nay, thị trường tiềm năng Trung Quốc còn rất nhiều dư địa cho Việt Nam khai thác, không chỉ với các sản phẩm truyền thống như trái cây, rau củ, thủy sản... mà cơ hội còn mở ra đối với các sản phẩm mới. Vừa qua, Công ty cổ phần dinh dưỡng Avanest Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số cho phép xuất khẩu hai nhóm sản phẩm tổ yến gồm tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn. Đây là cơ hội cho ngành yến Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, để đáp ứng tiêu chuẩn của Trung Quốc, đòi hỏi doanh nghiệp phải làm chuẩn chỉnh ngay từ khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu với các yêu cầu nghiêm ngặt từ nguồn đất, nguồn nước đến lao động, môi trường. Theo ông Nguyễn Quang Anh, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Thú y, ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ nộp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc, doanh nghiệp đã phải cung cấp đầy đủ các tài liệu, như: Tài liệu về vị trí nhà xưởng, bố trí các phân khu sản xuất, trang thiết bị; Việc kiểm soát nguồn nước dùng cho chế biến; Nguyên liệu dùng cho chế biến; Kiểm soát quá trình chế biến; Kiểm soát chất phụ gia (nếu có) và bao bì sử dụng trong chế biến; Kiểm tra sức khỏe, bồi dưỡng đào tạo nhân viên; Hệ thống triệu hồi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Tại thị trường EU cũng vậy, EU hiện là khu vực nhập khẩu cà-phê nhiều nhất thế giới, nhưng thị phần cà-phê của Việt Nam ở thị trường này vẫn rất thấp. Nguyên nhân một phần là chưa đáp ứng được toàn diện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, lao động của EU.
Nhất là mới đây, EU đưa ra Quy định chống phá rừng (EUDR), ngành hàng cà-phê sẽ tiếp tục phải đối mặt với “rào cản” mới khi xuất khẩu vào EU. Với mặt hàng thủy sản cũng vậy, hiện xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU đang bị giảm sút một phần vì tác động chung của khủng hoảng kinh tế thế giới, phần khác vì Việt Nam vẫn chưa khắc phục được “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Trong năm 2023, Nhật Bản thường xuyên duy trì vị trí là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ. Để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định khi xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường này, Giám đốc Công ty CP OTAS Global Nguyễn Văn Minh chia sẻ: “Hiện nay, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang là một bước tiến quan trọng trong việc phá bỏ những rào cản về thuế quan để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản.
Tuy nhiên, các nguyên tắc về xuất xứ hàng hóa cần được xem xét một cách kỹ lưỡng và có các phương pháp chuẩn bị thực hiện theo yêu cầu của Hiệp định. Do đó, để chuẩn bị đơn hàng trong giai đoạn tới, các địa phương cần quan tâm sắp xếp nguồn tài lực để chuẩn hóa, thiết lập hồ sơ vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài việc có chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt, người sản xuất, doanh nghiệp còn phải xem xét tích hợp các tiêu chuẩn riêng của Nhật Bản về vệ sinh an toàn thực phẩm vào sản phẩm xuất khẩu. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này cũng cần thực hiện nghiêm túc, liên tục, có sự giám sát và phải xây dựng dữ liệu một cách chuẩn mực, nhất quán”.