Để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra ổn định, thông suốt, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Công điện yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của NHNN về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Giảm rút tiền, thanh toán trực tuyến tăng mạnh
Theo quan sát, tình hình và nhu cầu rút tiền mặt tại hệ thống ATM của các ngân hàng năm nay không còn cảnh xếp hàng, “tắc nghẽn” như những năm trước. Hiện nay, thay vì sử dụng tiền mặt để thanh toán cho các nhu cầu hằng ngày như đi chợ, ăn hàng quán,… nhiều người dân lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Số liệu mới nhất từ Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy, năm 2023, tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022. Riêng giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch, đến nay tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS.
Con số trên phản ánh rõ nét nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển tiền nhanh NAPAS 247, thanh toán quét mã QR,… Từ đầu năm đến nay, số lượng giao dịch qua phương thức quét VietQR tăng tám lần về số lượng, bốn lần về giá trị giao dịch so với năm 2022.
NHNN cũng cho biết, đến cuối tháng 11/2023, toàn hệ thống có 180 triệu tài khoản thanh toán cá nhân đang hoạt động; hơn 77,41% số người trưởng thành Việt Nam có tài khoản thanh toán. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng cao, bao phủ tới các khu vực nông thôn, biên giới, hải đảo... Mạng lưới ATM, POS được lắp đặt đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh trên cả nước. Cụ thể, toàn thị trường có 21.014 máy ATM và 513.550 POS.
Bên cạnh đó, hiện đang có khoảng 36,23 triệu Ví điện tử hoạt động. Trong năm 2023, số lượng giao dịch bằng Ví điện tử của các tổ chức trung gian thanh toán được xử lý thành công ước đạt khoảng 4,09 tỷ giao dịch, tăng 47,15% so với năm 2022. Có 51 tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động.
Bảo đảm giao dịch an toàn, thông suốt
Theo Tổng Giám đốc Công ty NAPAS Nguyễn Quang Minh, với việc xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tổ chức vận hành hạ tầng chuyển mạch bù trừ an toàn, ổn định và thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và hỗ trợ hoạt động kinh tế, thời gian qua, NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường năng lực xử lý của hệ thống, bảo đảm an ninh, an toàn kể cả trong các thời gian cao điểm với số lượng giao dịch có sự tăng cao (hơn 27 triệu/ngày).
Chỉ số cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) đối với các dịch vụ chuyển mạch ATM/POS, thanh toán thẻ trực tuyến và dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 trong năm 2023 đều đạt 99,98%.
Đặc biệt, đối với các giai đoạn cao điểm như dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán, NAPAS luôn chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng về hệ thống và nguồn lực; xây dựng phương án, kịch bản ứng cứu sự cố và dự phòng cho các hệ thống thông tin quan trọng; tăng cường nhân sự liên tục trực 24/7 để sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng, trung gian thanh toán và doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, phục vụ dịp Tết Nguyên đán, NHNN liên tục đánh giá, rà soát, tối ưu các hệ thống thông tin quan trọng (Core Banking, Internet Banking, Mobile Banking, hệ thống thanh toán thẻ, ATM, POS, hệ thống cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, các cổng, trang thông tin điện tử...), hạ tầng kết nối với các hệ thống thông tin phục vụ thanh toán, quyết toán của các đơn vị khác (như các hệ thống thanh toán, chuyển tiền điện tử qua NHNN, NAPAS; các hệ thống thanh toán song phương; thanh toán quốc tế; hệ thống phối hợp thu ngân sách nhà nước...).
Cùng với đó, NHNN tăng cường các biện pháp chủ động giám sát, theo dõi hoạt động và nhật ký của các hệ thống thông tin nêu trên và hệ thống quan trọng khác; triển khai các biện pháp kỹ thuật ở mức cao nhất để kịp thời phát hiện và xử lý sớm các cuộc tấn công có thể xảy ra.
Đáng chú ý, mới đây, NHNN đã có Công điện yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường triển khai các biện pháp giám sát hoạt động, giải pháp kỹ thuật bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán và bảo mật dữ liệu thông tin khách hàng.
Các đơn vị nêu trên phải tổ chức tốt công tác điều hòa, lưu thông và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá trong dịp Tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ và công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Ngoài ra, NHNN yêu cầu Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Thống đốc về việc cung ứng tiền mặt cho các ngân hàng, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn, bảo đảm lưu thông tiền mặt thông suốt. Tăng cường kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm trường hợp phòng giao dịch, chi nhánh để ATM thiếu tiền, không hoạt động do lỗi chủ quan của ngân hàng…Tết
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các ngân hàng phải theo dõi sát tình hình thu, chi tiền mặt trong hệ thống để kịp thời có phương án xử lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt của khách hàng trước, trong và sau dịp Tết; có phương án bố trí nhân sự làm việc để cung ứng các dịch vụ thanh toán thiết yếu phục vụ người dân ổn định, an toàn, thông suốt; tăng cường cảnh giác đối với phương thức, thủ đoạn phạm tội và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ ngân hàng và hoạt động ATM.